Chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa vụ Xuân năm 2022

Thứ ba - 22/02/2022 21:10 488 0
Triệu chứng vết bệnh đạo ôn trên lá lúa
Triệu chứng vết bệnh đạo ôn trên lá lúa
Chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời,  hiệu qua đối với bệnh đạo ôn trên lúa vụ Xuân năm 2022

Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh hại chính và nguy hiểm trên cây lúa ở vụ Xuân tại miền Bắc nói chung và Nghệ An nói riêng. Bệnh do nấm gây Pyricularia oryzae gây ra và có thể gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển và năng suất lúa, nhất là trên các giống lúa có mức độ nhiễm bệnh cao. Vụ Xuân 2022, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 91.272 ha trong đó có trên 42 nghìn ha lúa chất lượng là nhóm có nguy cơ bị bệnh đạo ôn cao như P6, Vật tư NA6, AC5, TBR 225, BC15,  thiên ưu 8, Thái Xuyên 111,...  Hiện tại các trà lúa vụ Xuân đang ở thời kỳ đầu đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh gây hại trên một số vùng với tổng diện tích nhiễm bệnh trên 21 ha, theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn trung ương trong thời gian tới, thời tiết ấm dần, ẩm độ không khí cao, kết hợp với việc nông dân bón thúc đẻ nhánh là những điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển. Mặt khác bào tử nấm Pyricularia oryzae có kích thức nhỏ, phát tán, lây lan nhờ nước và gió nên có tốc độ lây lan nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi (20 – 280C, ẩm độ > 90%). 
Trên đồng bệnh đạo ôn thường gây hại nặng trên những ruộng bón phân không cân đối nhất là bón thừa đạm, trên chân đất cát pha, đất hẩu, vùng bán sơn địa... Triệu chứng và mức độ gây hại của bệnh có thể thay đổi tùy vào mức độ mẫn cảm của giống khác nhau. Trên lá lúa, vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục hoặc mờ vệt dầu sau chuyển sang màu xám nhạt; trên các giống mẫn cảm ở phần giữa vết bệnh có màu nâu xám; ở các giống có phản ứng trung gian vết bệnh có hình tròn hoặc hình bầu dục nhỏ, xung quanh vết bệnh có viền màu nâu. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau tạo thành vết lớn làm cho lá bị cháy. Trên thân và cổ bông: Lúc đầu vết bệnh là một chấm nhỏ màu nâu xám - đen về sau lớn dần bao quanh thân, làm cho thân thắt lại. Trên cổ bông nếu xuất hiện sớm thì làm cho bông lúa bị lép, bạc, nếu bị muộn khi đã vào chắc sẽ gây hiện tượng gẫy cổ bông. 
Để chủ động phát hiện và phòng trừ hiệu quả đối với bệnh đạo ôn lá hại lúa cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp quả lý bệnh tổng hợp cụ thể như sau:
- Làm sạch cỏ dại,  bón tập trung, cân đối NPK, không bón thừa đạm.
- Thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời. Đặc biệt lưu ý theo dõi trên những giống, chân đất hàng năm có mức độ nhiễm bệnh cao. 
- Khi phát hiện ruộng lúa bị nhiễm bệnh, thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển cần dừng bón các loại phân hóa học,  kích thích sinh trưởng, giữ đủ nước trên ruộng (từ 2 - 3 cm) và phun trừ ngay bằng các loại thuốc chứa hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil, Tebuconazole,.... và phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày nếu ruộng bị bệnh nặng hoặc bệnh vẫn tiếp tục phát sinh. Vào thời kỳ lúa trỗ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết, nếu lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ cao hay có mưa kéo dài cần thiết phải phun phòng đối với đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc trên, đặc biệt là trên các giống thường bị bệnh gây hại nặng và những ruộng trước đây đã bị bệnh đạo ôn lá hại nặng. Thời điểm phun tốt nhất khi lúa trỗ thấp thoi và phun lại lần 2 sau khi lúa trỗ hoàn toàn nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phái sinh, phát triển.
Chú ý: Tuyệt đối không sử dụng các loại phân bón qua lá hay chất kích thích sinh trưởng trên những ruộng đã và đang nhiễm bệnh. Chỉ tiến hành chăm bón trở lại khi bệnh đã ngừng phát triển./.
 

Tác giả bài viết: Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây