Dự báo tình hình một số sâu, bệnh hại chính trên cây trồng vụ Xuân năm 2022 tại Nghệ An và biện pháp phòng trừ 

Thứ tư - 09/02/2022 22:42 560 0
Dự báo tình hình một số sâu, bệnh hại chính trên cây trồng vụ Xuân năm 2022 tại Nghệ An và biện pháp phòng trừ 

1. Nhận định tình hình thời tiết 
Theo trung tâm khí tượng thủy văn, điều kiện khí tượng vụ Xuân 2022 được dự báo như sau: Nhiệt độ, rét đậm, rét hại: Nhiệt độ trung bình tháng 01- 03/2022 phổ biến phổ biến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 0.5-1.0 độ C (trung bình từ 18,5-20,5 0C). Không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nhiệt độ trung bình mùa Đông năm 2021-2022 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2020-2021. Các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 02/2022. Lượng mưa từ tháng 11/2021-03/2022, tổng lượng mưa ở khu vực phổ biến thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ 10-30%.
2. Kế hoạch gieo trồng 
- Cây lúa: Tổng diện tích dự kiến 91.000ha (lúa lai 40.000ha, lúa thuần 51.000 ha), trong đó có 42.000 ha lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần). Thời vụ gieo trồng các trà lúa cơ bản hoàn thành trong tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 2022.
- Cây ngô: Tổng tích dự kiến 17.500 ha (15.500 ha ngô lấy hạt, 2.000 ha ngô lấy thân lá làm thức ăn chăn nuôi), thời gian gieo trồng tập trung từ 04- 28/2
- Cây lạc: Tổng diện tích dự kiến 11.500 ha; thời gian gieo từ ngày 28/1, kết thúc trước ngày 25/2
- Rau các loại: Tổng diện tích dự kiến 12.000 ha; thời gian gieo trồng khi có quỹ đất và điều kiện thời tiết thuận lợi.
- Cây sắn nguyên liệu: Diện tích 10.000 ha; thời gia trồng từ tháng 1 đến 15/3/2021
3. Dự báo tình hình dịch hại trên các cây trồng chính vụ Xuân 2022
- Trên cây lúa
+ Rầy nâu: Trong điều kiện vụ Xuân rầy có khả năng phát sinh thành 2 đợt chính: Đợt 1 gây hại từ giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái, ở giai đoạn này này rầy thường phát cục bộ dưới dạng các ổ rầy. Đợt 2 gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi (vào khoảng tháng 4 đến tháng 5), do được tích lũy mật độ từ đợt 1 nên phạm vi, mức độ gây hại của rầy thường cao, dễ gây ra hiện tượng cháy rầy vào thời kỳ lúa chín.
+ Rầy lưng trắng: Rầy lưng trắng thường xâm nhập sớmvà thường chiếm ưu thế về mật độ so với rầy nâu ở thời kỳ đầu vụ. Trong vụ, rầy lưng trắng thường không phát sinh thành các lứa rõ ràng như rầy nâu song mật độ rầy thường có 3 cao điểm vào giai đoạn lúa đẻ nhánh (cuối tháng 2 - tháng 3), giai đoạn lúa làm đòng - ôm đòng (tháng 4) và giai đoạn lúa trỗ - ngậm sữa (cuối tháng 4 đầu tháng 5). Ngoài tác hại trực tiếp, rầy lưng trắng còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên cây lúa đo đó cần đặc biệt chú ý theo dõi để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
+ Sâu cuốn lá nhỏ: Vụ Xuân, sâu thường phát sinh 3 lứa chính: Lứa 1, vào thời kỳ lúa đẻ nhánh (từ cuối tháng 2 đến tháng 3) song mật độ sâu thường không cao; Lứa 2, phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái làm đòng trỗ (đầu đến giữa tháng 4) và thường có mật độ cao, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của lúa và đây cũng là lứa sâu quan trọng nhất trong vụ Xuân. Lứa 3, phát sinh gây hại vào đầu đến gữa tháng 5 song ít ảnh hưởng đến năng suất lúa.
+ Sâu đục thân bướm 2 chấm: Trong những năm gần đây ở vụ Xuân sâu thường gây hại nhẹ, tuy nhiên cần tập trung theo dõi sự phát sinh gây hại của sâu lứa 2 (từ trung tuần tháng 4 trở đi), trùng với thời gian lúa xuân ôm đòng - trỗ, bởi ở lứa sâu này cục bộ một số diện tích có thể có mật độ cao. 
+ Bệnh đạo ôn: Là bệnh hại chính và nguy hiểm trong vụ Xuân. Đặc biệt trong những năm gần đây cùng với việc gia tăng giện tích các giống lúa chất lượng thì phạm vi, mức độ gây hại của bệnh có chiều hướng tăng lên. Dự báo bệnh đạo ôn lá có thể phát sinh sớm ngay và thường gây hại nặng từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ (cuối tháng 2 đầu tháng 3) trở đi. Trường hợp khi gieo trồng các giống nhiễm bệnh, gặp điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ cao kéo dài,... bệnh sẽ phát sinh, lây lan nhanh, trên diện rộng và có thể gây cháy lụi nếu không được phòng trừ kịp thời. Kết quả theo dõi trong những năm qua cho thấy: Các giống như: Thiên ưu 8, Vật tư NA6, TBR225, Hương Ưu 98, AC5, BC15, P6, ADI28, ADI 168, BTE1,... thường có mức độ bị bệnh nặng hơn nhiều so với các giống khác. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện thời tiết giai đoạn lúa trỗ đến ngậm sữa. Ở giai đoạn này, nếu gặp điều kiện âm u, ẩm độ cao, mưa kéo dài,… bệnh sẽ phát sinh gây hại nặng, đặc biệt trên các giống nhiễm như đã nêu trên. Nếu giai đoạn lúa trỗ đến ngậm sữa gặp điều kiện thời tiết khô nóng, sự gây hại của bệnh không đáng kể.
+ Bệnh khô vằn: Là đối tượng gây hại phổ biến trên lúa. Cao điểm gây hại của bệnh thường từ giai đoạn lúa ôm đòng trỗ đến đỏ đuôi, đặc biệt là trên những diện tích gieo cấy dày, bón phân không cân đối, thừa đạm,… Trong những năm gần đây nhiều vùng bị bệnh gây thiệt hại làm ảnh hưởng khá lớn đến năng suất lúa.  
+ Bệnh lem lép hạt: Là bệnh hại có thể gây thiệt hại lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Mức độ gây hại của bệnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết giai đoạn lúa trỗ đến ngâm sữa. Nếu thời kỳ này gặp điều kiện âm u, mưa kéo dài bệnh lem lép hạt thường phát sinh gây hại nặng.
+ Bệnh bạc lá và đốm sọc do vi khuẩn: Bệnh thường phát sinh gây hại vào giai đoạn cuối vụ (vào thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ chín). Đặc biệt, sau những cơn giông đầu mùa, kèm theo gió lớn là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh lây lan nhanh, gây hại nặng. Bệnh hại nặng trên các giống lúa lai và trên các giống lúa thuần chất lượng cao như: Bắc thơm 7, NA6,... những chân ruộng sâu, đất hẩu, ruộng bón phân không cân đối, bón lai rai, bón thừa đạm,...
+ Chuột hại: Là loại dịch hại có thể gây ra thiệt hại lớn, trên diện rộng và khó phòng trừ, nhất là thời kỳ giữa đến cuối vụ. Trong những năm gần đây, chuột có xu hướng ngày càng gây hại nặng trên diện rộng, vì vậy nguy cơ chuột gây hại nặng trong vụ xuân 2022 là rất lớn, do đó cầ tập trung tổ chức phòng trừ tốt ngay từ đầu vụ sản xuất. 
+ Nhện gié: Là loài dịch hại mới nổi, khó phát hiện và phòng trừ. Nhện gié có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất khi phát sinh vào thời kỳ lúa trỗ đến chắc xanh. Trong thời gian gần đây, phạm vi và mức độ gây hại của nhện gié ngày càng tăng và trở thành đối tượng gây hại nguy hiểm song ít được nông dân quan tâm phòng trừ đúng mức. 
+ Các đối tượng khác như: Bọ xít dài, bọ xít đen, bệnh thối thân thối bẹ, ốc bươu vàng,... là những đối tượng có thể phát sinh gây hại, cục bộ một số vùng có thể bị gây hại nặng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa, do đó cần đ¬ược quan tâm theo dõi để phòng trừ kịp thời khi cần thiết.
- Trên cây lạc:
+ Sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá: Trong vụ Xuân, sâu thường phát sinh thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn lạc phân cành (nếu mật độ sâu cao sẽ làm cho lạc bị trụi lá, không phát triển được); giai đoạn lạc đâm tia hình thành quả trở đi (ở giai đoạn này nếu mật độ sâu cao sẽ cắn trụi hoa, lá làm cho lạc không phát triển được ảnh hưởng đến năng suất). 
+ Bệnh thối gốc, lở cổ rễ (bệnh héo vàng): Là bệnh phổ biến trên ruộng lạc do nấm gây nên. Ở thời kỳ cây con bệnh héo vàng thối gốc mốc đen thư¬ờng gây hại nặng còn bệnh héo vàng thối gốc mốc trắng th¬ường gây hại nặng vào thời kỳ lạc ra hoa trở đi, đặc biệt bệnh thường gây hại nặng trong điều kiện m¬ưa ẩm, ruộng thoát nước kém.
- Cây ngô
+ Sâu keo mùa thu: Là loài đa thực, có sức phá hoại lớn, sức sinh sản cao, thời gian trưởng đẻ trứng dài, thời gian pha sâu non tương đối ngắn do đó trên đồng ruộng có hiện tượng các lứa sâu gối nhau nên việc phòng trừ gặp nhiều bất lợi, nhất là đối với sâu tuổi lớn. Mặt khác do thời vụ ngô Xuân trên địa bàn Nghệ An khác phức tạp, trên đồng luôn có sẵn nguồn ký chủ rất thuận lợi cho sâu phát sinh gây hại. Dự báo trong vụ Xuân 2022 sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng các trà ngô bị sâu gây hại nặng là rất lớn. 
+ Sâu xám: Vụ xuân có điều kiện thời tiết thích hợp cho sâu xám phát sinh gây hại. Sâu gây hại nặng vào thời kỳ cây con, làm khuyết mật độ trên ruộng. Trên chân đất cát pha, thịt nhẹ, bãi bồi ven sông thường bị sâu gây hại nặng hơn. 
+ Sâu đục thân, đục bắp: Là đối tư¬ợng hại quan trọng trên cây ngô, sâu phát sinh gây hại trong suốt cả vụ. Ở thời kỳ cây con sâu đục ngang ngọn, thời kỳ ngô xoáy nõn sâu chủ yếu tập trung gây hại ở phía trong loa kèn, khi cây ngô lớn sâu đục vào trong thân, bắp làm cho cây dễ bị gãy khi gặp gió to. Trong vụ sâu thường có mật độ cao và gây hại nặng từ giai đoạn ngô xoắn nõn trở đi.
+ Chuột hại: Hiện nay chuột đã và đang phát sinh gây hại và có xu hướng tăng trên các cây trồng, đặc biệt một vùng ven làng gần cồn vệ,.... Do đó chuột có nguy cơ chuột gây hại nặng trên một số diện tích trồng ngô vụ Xuân là rất cao. 
+ Các bệnh khác: Bệnh khô vằn, Bệnh đốm lá, bệnh rỉ sắt, bệnh phấn đen, bạch tạng,… là những bệnh có thể phát sinh gây hại đối với ngô. Tuy nhiên tác hại là không lớn hoặc chỉ ở phạm vi hẹp song cũng cần phải đ¬ược quan tâm theo dõi để phòng trừ khi cần thiết.
- Cây có múi
+ Rầy chổng cánh: Sự phát sinh của rầy thường gắn với các đợt lộc trong năm, đặc biệt là lộc xuân và lộc thu. Ngoài những tác hại trực tiếp thì rầy còn là môi giới truyền bệnh Greening cho cây cam. 
+ Sâu vẽ bùa: Sâu phát sinh gây hại quanh năm song cao điểm gây hại của sâu thường gắn liền với các đợt ra lộc, đặc biệt là lộc xuân và lộc thu.
+ Nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng: Nhện phát sinh gây hại quanh năm song thường phát triển mạnh vào giai đoạn cây ra quả và trời nắng ấm. Trong vụ Xuân, nhện thường có mật độ cao vào tháng 4 - 6. Nhện gây hại làm cho cây phát triển kém, quả bị rám làm giảm giá trị thương phẩm.
+ Bệnh greening: Bệnh lây nhiễm do môi giới là rầy chổng cánh, bệnh làm cho cây sinh trưởng kém và tàn lụi nhanh chóng. Những v¬ườn cam chăm sóc kém, v¬ườn lâu năm, không được phòng trừ tốt rầy chổng cánh thường có tỷ lệ cây bị bệnh cao. Hiện nay hầu hết các các vùng trồng cam trong tỉnh đều có tỷ lệ diện tích bị nhiễm bệnh Greening khá lớn. Do đó khả năng lây lan gây hại nặng của bệnh thời gian tới là rất lớn, một số diện tích có thể bị tàn lụi.
+ Bệnh vàng lá thối rễ: Bệnh thường gây hại nặng sau những đợt mưa kéo dài. Bệnh hại làm cho bộ rễ tơ cây ăn quả có múi bị thối, không hút được nước và dinh dưỡng dẫn đến cây vàng lá, rụng quả, bị hại nặng cây có thể héo.
+ Các đối t¬ượng khác như: Câu cấu, sâu đục cành, bệnh loét, sẹo, thối gốc, muội đen, nứt thân chảy mủ,... là những đối tượng gây hại phổ biến và thường xuyên trên vườn cần chú ý theo dõi để phòng trừ kịp thời.
- Cây chè   
+ Rầy xanh: Trong vụ xuân, rầy thường phát sinh thành nhiều lứa nhưng hại hại nặng vào tháng 4 - 5.
+ Bọ trĩ (bọ cánh tơ): Phát sinh gây hại quanh năm, từ tháng 2- 4 mật độ tăng chậm, tháng 5 - 7 mật độ tăng nhanh. Bọ trĩ gây hại nặng làm cho cây không ra được búp ảnh hưởng lớn đến năng suất chè.
+ Bệnh phồng lá chè: Bệnh do nấm gây nên, bệnh chủ yếu hại bộ phận non của búp. Bệnh gây hại mạnh vào thời gian đầu xuân (tháng 2 - 4) và cuối thu (tháng 9-12) đặc biệt trong điều kiện có mưa phùn kéo dài hoặc sương mù trời âm u thiếu ánh sáng.
+ Bệnh thán thư: Bệnh do nấm gây ra, gây triệu chứng chết khô trên chè. Nấm bệnh phát sinh lây lan gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết mưa ẩm, đặc biệt trên những diện tích chè sau đốn.
- Cây sắn 
- Bệnh Khảm lá sắn: Là bệnh hại nguy hiểm, do vi rút gây ra và được lan truyền trên đồng ruộng qua hom giống, củ sắn nhiễm bệnh sót lại và qua môi gới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Năm 2021, bệnh đã phát sinh trên diện rộng tại các vùng sắn nguyên lớn như: Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hòa. Tỷ lệ cây nhiễm bệnh ở thời điểm cuối vụ rất cao từ 90 – 100%. Bệnh gây hại làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm nhất là khi sử dụng hom giống nhiễm bệnh để trồng, nếu nhiễm bệnh muộn cây sẽ phát triển kém làm giảm năng suất, phẩm chất sản phẩm. Vì vậy niên vụ sắn năm 2022 bệnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh gây hại nặng trên diện rộng nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh ngay từ thời kỳ đầu vụ. 
4. Biện pháp pháp kỹ thuật phòng trừ
4.1 Trên cây lúa: Thực hiện tốt các  biện pháp canh tác kỹ thuật như:
- Vệ sinh đồng ruộng, cày bừa kỹ trước khi gieo cấy. 
- Thực hiện che phủ nilon trên 100% diện tích mạ
- Chỉ đạo gieo cấy tập trung đúng lịch thời vụ của địa phương, tỉnh đã quy định cho từng giống, từng vùng.
- Bón phân cấn đối, tăng cường vôi, phân hữu cơ, lân và kali; tập trung bón lót, bón thúc sớm, đặc biệt trên các trà muộn có thời gian sinh trưởng ngắn. Trên một xứ đồng, tập trung cấy gọn trong 2 - 3 ngày để thuận lợi trong việc chăm sóc và quản lý dịch bệnh. 
- Cấy với mật độ vừa phải: 30 - 35 khóm/m2 và 1 - 2 dảnh/khóm đối với lúa lai; 40 - 45 khóm/m2 và 2 - 3 dảnh/khóm đối với lúa thuần để hạn chế sâu, bệnh phát sinh gây hại.
- Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật BVTV vào sản xuất như: Phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), thâm canh lúa cải tiến (SRI), ICM, ...
- Đối rầy lưng trắng, rầy nâu và bệnh lùn sọc đen: 
+ Tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ rầy. Không gieo mạ gần đường đi, gần các nguồn sáng ban đêm để hạn chế thu hút rầy gây hại và truyền bệnh.
+ Thực hiện che phủ nilon cho 100% diện tích mạ để chống rét, chống chuột và chống rầy xâm nhập gây hại và truyền bệnh lùn sọc đen. Khuyến khích nông dân xử lý hạt giống để hạn chế một số bệnh hại truyền qua hạt giống và trừ rầy xâm nhập gây hại truyền bệnh lùn sọc đen Phương nam
+ Ngay sau khi mở nilon cần thường xuyên điều tra theo dõi để phát hiện kịp thời sự gây xâm nhập gây hại của rầy. Khi rầy gây hại trên mạ có mật độ cao cần phun thuốc diệt trừ bằng các thuốc trừ rầy có tác dụng nội hấp như: Triflumezopyrim (Dupont Pexena 106 SC), Pymetrozine (Chess 50WG, Chatot 600WG,…); Acetamiprid + Imidacloprid (Sutin 50SC,…); Clothianidin (Dantotsu 16WSG); Dinotefuran (Oshin 20WP, Cyo super 200 WP,…); để phun cho mạ nhằm hạn chế rầy gây hại và truyền bệnh.
+ Đối với lúa giai đoạn từ gieo cấy đến trỗ: Thường xuyên, điều tra phát hiện, thu mẫu rầy lưng trắng để giám định vi rút để có biện pháp quản lý rầy phù hợp.
+ Đối với diện tích lúa từ thời kỳ trỗ- chín sáp: Công tác phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giai đoạn này chủ yếu hạn chế sự gây hại trực tiếp của rầy. Do đó chỉ khuyến cáo phun trừ trên khi có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc như trên để phun trừ.
- Đối với sâu cuốn lá nhỏ:
+ Giai đoạn từ cấy đến đẻ nhánh: Chỉ tiến hành phun trừ bằng thuốc BVTV khi có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên.
+ Giai đoạn làm đòng - trỗ: Đây là giai đoạn mà sự gây hại của sâu thường ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vì vậy, khi có mật độ sâu từ 20-30 con/m2 trở lên cần phải tổ chức phòng trừ. Các loại thuốc trừ cuốn lá như: Indoxacarb (Ammate 150SC, Clever 150SC; 300WG, Obaone 95WG,…), Chlorantraniliprole (Prevathon 5SC, Voliam targo 063SC, Virtako 40WG,…), Flubendiamide (Takumi 20WG,…), Emamectin benzoate (Angun 5WDG). Phun theo liều khuyến cáo vào giai đoạn sâu tuổi nhỏ (tuổi 1-3)
- Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm: 
+ Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh: Nếu mật độ cao (từ 0,5 ổ trứng/m2 trở lên) cần tiến hành phòng trừ bằng biện pháp hóa học để vừa hạn chế dảnh héo vừa hạn chế được nguồn sâu lứa sau gây hại.
+ Thời kỳ làm đòng - trỗ: Giám sát chặt chẽ đồng ruộng, khi phát hiện có mật độ 0,3 ổ trứng/m2 trở lên cần tổ chức phun trừ ngay. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu đục thân có hoạt chất như: Chlorantraniliprole (Dupont Prevathon 5SC, Virtako 40WG,…);...theo liều lượng khuyến cáo (nếu mật độ ổ trứng cao > 0,5 ổ/m2) cần phun 2 lần cách nhau 5 ngày)
- Đối với chuột: Xác định những vùng có nguy cơ bị chuột gây hại cao để có kế hoạch tổ chức phòng trừ chuột ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp như: 
+ Vệ sinh đồng ruộng, tàn dư cây trồng, phát quang bờ bụi rậm để hạn chế nơi cư trú của chuột.
+ Tổ chức phát động nhân dân tham gia bắt diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như: đào bắt hoặc dùng các loại bẫy bán nguyệt, bẫy kẹp, bẫy sập,… để bắt diệt. 
+ Sử dụng các loại thuốc sinh học như: Bả sinh học diệt chuột,…bã đặt ở nơi chuột hay qua lại tìm thức ăn. 
+ Sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất như: Brodifacoum, Bromadiolone (Broma 0.005 AB, Antimice 0.006GB, 3DP), Flocoumafen (Coumafen 0.005% wax block), Diphacinone (Gimlet 800SP, 0.2GB), Coumatetralyl (Racumin 0.0375 PA, 0.75TP),... Bả đ-ược đặt trước của hang, đường đi lại của chuột.
Một số lưu ý để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả bắt diệt chuột: Thời điểm diệt chuột tốt nhất ngay từ đầu vụ khi ngoài đồng chưa có cây trồng. Diệt chuột phải thường xuyên và mang tính cộng đồng. Khi sử dụng bả diệt chuột phải được quản lý chặt chẽ, xác chuột chết phải thu gom lại đốt thiêu hủy hoặc chôn cách xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt, khi chôn rắc vôi xuống phía dưới và phía trên rồi lấp đất nén chặt.
- Đỗi với bệnh đạo ôn:
- Đối với đạo ôn lá: Từ giai đoạn lúa đẻ nhánh trở đi cần tăng cường công tác điều tra, phát hiện bệnh, đặc biệt chú ý trên các giống có mức độ nhiễm bệnh cao. Khi có tỷ lệ từ 3 – 5% số lá  bị bệnh trở lên gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như (trời âm u, ẩm độ cao,...), cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm thời dừng bón thúc đạm, phân bón lá và tiến hành phòng trừ ngay bằng thuốc BVTV đặc hiệu Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, Bankan 600WP,... ); Fenoxanil (Kasoto 200SC, Katana 20SC, Ninja 35EC,...),… theo liều lượng theo khuyến cáo. 
- Đối với đạo ôn cổ bông: Ở giai đoạn lúa ôm đòng – trỗ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi đối với bệnh như ẩm độ cao, mưa kéo dài, trời âm u,… nhất thiết phải tổ chức phun phòng bệnh ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu như đối với đạo ôn lá. Thời điểm phun thuốc: Phun khi lúa bắt đầu trổ và phun lại lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển. Khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo đủ lượng nước thuốc tối thiểu 24 lít/sào và phun vào chiều tối hoặc sáng sớm để tránh phun thuốc vào thời gian lúa đang phơi mao. Trường hợp lúa trỗ gặp thời tiết khô, nắng nóng không cần thiết phải tổ chức phòng trừ đối với bệnh đạo ôn cổ bông. 
- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bón phân cấn đối, tăng cường vôi, phân hữu cơ, lân và kali; tập trung bón lót, bón thúc sớm. Phun phòng sớm để hạn chế bệnh khi có dịch vi khuẩn xuất hiện (vết bệnh chưa hình thành rõ) bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như sau: Oxolinic acid (Starner 20WP,…); Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP,...); Kasugamycin (Kasumin 2SL,…); … phun đều trên ruộng, phun lại lần 2 cách 7- 10 ngày khi bệnh có tỷ lệ 3 - 5% (Chú ý không sử dụng đạm, kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đã nhiễm bệnh).
- Đối với nhện gié: Khi phát hiện những diện tích có 5 - 7% số dảnh bị hại trở lên, lúa ở giai đoạn làm đòng đến trỗ cần tổ chức phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Hexythiazox (Nissorun 5EC,…); Fenitrothion (Danitol 50EC,...),… Khi phun cần chú ý tăng lượng nước thuốc để phun ướt đều phần thân và bẹ lá lúa. 
- Đối với bọ xít dài: Ở thời kỳ lúa trỗ nếu có mật độ từ 4 - 6 con/m2 trở lên cần tổ chức phòng trừ bằng một trong các loại  thuốc có hoạt chất như: Fenobucarb (Bassa 50EC,…); Alpha Cypermethrin (Fastac 5EC, bestoc 5EC,…);.... Phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối là lúc an toàn cho lúa và bọ xít ít di chuyển.
- Đối với bệnh khô vằn: Từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi nếu có 10% số dảnh bị nhiễm bệnh trở lên cần giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Validamycin (Jinggang meizu 5-10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP...);Pencycuron (Moren 25WP); Hexaconazole (Anvil 5SC,….);... pha theo liều hướng dẫn, phun đều vào phần thân, gốc lúa.
- Đối với bệnh lem lép hạt: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chú ý các trà lúa trỗ gặp mưa kéo dài, cần phun phòng sớm bằng một trong các loại thuốc : Difenoconazole + Propiconazole (Tilt super 300ND,…); Propiconazole (Tiptop 250 EC, Tilt 250 EC,…);  Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325 SC,…); Tebuconazole +  Trifloxystrobin (Nativo 750WG,...);… Phun 2 lần vào giai đoạn lúa trỗ 1 - 3% và sau khi lúa trỗ hoàn toàn.
4.2. Trên cây lạc
- Sâu khoang, sâu xanh, sâu cuốn lá: Theo dõi chặt chẽ sự phát sinh gây hại của sâu ngay từ đầu vụ, Khi sâu có mật độ cao sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như: Indoxacarb (Ammate 150SC, Clever 150SC; 300WG, Opulent 150SC, Obaone 95WG,…); Flubendiamide (Takumi 20WG,…); Emamectin benzoate (Angun 5 WDG, Map Winner 5WG,…) phun theo liều khuyến cáo 
- Nhóm bệnh hại: Gieo trồng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối đủ số lư¬ợng, chú ý dùng phân chuồng hoai mục, bón vôi đầy đủ… lên luống cao (đối với những vùng đất thấp), có rãnh thoát nư¬ớc nhanh khi gặp mư¬a to. 
4.3. Trên cây ngô
- Sâu keo mùa thu: Xác định việc phòng chống sâu keo mùa thu phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Các biện pháp cụ thể gồm:  
+Biện pháp canh tác : Làm sạch cỏ dại để hạn chế nơi trú ẩn của sâu, làm đất kỹ để diệt ấu trùng, nhộng và dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.
+ Khuyến khích sử dụng các giống kháng, giống chống chịu để thay thế các giống bị sâu gây hại nặng. (hiện nay các giống ngô chuyển gen như DK 6919S, DK 9955S, NK 4300GT/Bt, CP 501S ;... có mức độ bị hại thấp hơn nhiều so với các giống khác).
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, bắt diệt các ổ trứng, sâu non. 
+ Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính,... để diệt trưởng thành.
+ Biện pháp sinh học : Bảo vệ các thiên địch tự nhiên của sâu như : ong ý sinh trứng, ký sinh sâu non, các loại bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm, chân chạy,... để kiểm soát sâu non mới tuổi nhỏ.
+  Biện pháp hóa học : Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Indoxacarb,  Lufenuron, Spinetoram, Emamectin benzoate,... để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (ngô giai đoạn cây 3 - 9 lá), phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung vào nõn cây ngô. Phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng.
-  Rệp cờ: Gieo trồng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối hợp lý tạo cho cây khoẻ hạn chế tác hại do rệp gây ra. Khi có mật độ rệp cao, cây ngô ở giai đoạn hình thành hạt trở về trước dùng một trong các loại thuốc sau để xử lý: Thiamethoxam (Actara 25WG,…); Imidacloprid (Confidor 100SL,…);… để phun trừ theo liều khuyến cáo.
- Bệnh khô vằn: Chăm sóc ngô đúng quy trình kỹ thuật, phát hiện kịp thời khi có tỷ lệ bệnh trên 10% có thể dùng các loại thuốc có hoạt chất như: Validamycin (Jinggang meizu 5-10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP...); Pencycuron (Moren 25WP); Hexaconazole (Anvil 5SC,….);… để phun trừ trên những diện tích bị gây hại nặng.
4.4. Cây cam chanh: Để phòng trừ tốt sâu bệnh hại cam cần thường xuyên theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng như: Sâu nhớt, sâu vẽ bùa, nhện, rầy, rệp các loại,... đặc biệt vào các đợt ra lộc cụ thể: 
- Bệnh Greening: Loại bỏ nguồn bệnh trên đồng ruộng, thay thế những vườn cam nhiễm bệnh Greening đồng thời kết hợp các biện pháp chống tái nhiễm bằng việc sử dụng giống sạch bênh và phòng trừ thường xuyên rầy chổng cánh vào những thời kỳ có mật độ cao (lộc xuân, hè, thu...). 
- Rầy chổng cánh: Dùng các loại thuốc có hoạt chất như: Clothianidin, Dinotefuran; Azadirachtin; Matrine; Petrolium spray oil; Eucalyptol; Thiamethoxam;…để  phun trừ theo liều lượng khuyến cáo.
- Sâu vẽ bùa, sâu nhớt: Dùng các loại thuốc có hoạt chất : Spinetoram; Anbamectin; Emamectin benzoate; Clofentezine; Azadirachtin; Matrine (Thảo mộc); Petrolium spray oil; Eucalyptol;… để phòng trừ khi lộc mới nhú sau đó phun lại lần hai sau 5 - 7 ngày và kết thúc phun khi đa số lá lộc dài 20 - 30cm. 
- Nhện nhỏ: Dùng các loại thuốc có hoạt chất như : Anbamectin, Emamectin benzoate; Srulfur; Spinosad; pyridaben; propargite; Fenpropathrin; Fluazinam; liuyangmycin; Matrine; Petroleum spray oil;... để phun trừ, phun trừ 2 đợt theo liều khuyến cáo. Đợt 1, khi hoa tàn ; đợt 2, sau 2 - 3 tuần.
- Bệnh nứt thân chảy mủ: Dùng dao sắc cạo mô bị bệnh rồi dùng thuốc có hoạt chất như : Fosetyl-aluminium, Mancozeb+Metalxyl; Metalaxyl với nồng độ 0.2% để quét lên miệng cạo 7 ngày một lần để trừ bệnh.
- Bệnh vàng lá thối rễ : 
+ Tiêu hủy ngay những cây nặng không có khả năng hồi phục ra khỏi vườn cây ăn quả có múi, sau đó rắc vôi bột vào khu vực cây bị tiêu hủy để khống chế nguồn bệnh lây lan.
+ Cần thoát nước tốt sau các trận mưa, xới xáo nhẹ 5 - 10cm vùng đất bốn xung quanh tán cây ăn quả có múi.
+ Tưới thuốc trừ nấm bệnh có hoạt chất Fosetyl-aluminium (Aliette 800WG...); Mancozeb+Metalxyl (Ridomil gold 68WG); Dimethomorph (Insuran 50WG) theo khuyến cáo của nhà sản xuất 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày vào toàn bộ vùng đất trồng ăn quả có múi.
+ Tưới phân kích rễ theo hình tán cây ăn quả có múi để bộ rễ tơ mới phát triển (có thể sử dụng phân bón TrimixDT, Super Roots, Trimix DT02, Rootwet để tưới). Sau đó tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng và bón bổ sung phân bón N-P-K theo đúng quy trình. 
4.5. Cây chè: Thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tạo điều kiện cho chè phát triển tốt như bón phân cân đối, làm sạch cỏ, đốn chè đúng kỹ thuật, hái đúng kỳ,…Theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng như : Rầy xanh, bọ trĩ, bọ xít muối, bệnh thối búp, bệnh phồng lá, bệnh chấm xám,...bằng các loại thuốc được phép sử dụng trên cây chè. 
4.6. Cây sắn : 
- Đối với bệnh khảm lá sắn:
+ Tăng cường tuyên truyền về tác hại và đặc điểm lây lan của bệnh khảm lá sắn. Trên những vùng đã nhiễm bệnh, sau khi thu hoạch cần thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây bệnh trên đồng ruộng trước khi trồng lại nhằm hạn chế tối đa nguồn bệnh trên đồng ruộng.
+ Chỉ đạo thực hiện tốt lịch thời vụ theo đề án sản xuất trồng trọt số 4175/SNN.ĐA ngày 10/11/2021 của sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian trồng sắn tốt nhất từ tháng 01 đến 15/3/2021.
+ Chọn giống sắn để trồng: Không nên trồng các giống sắn bị nhiễm bệnh như HLS11, KM 419,.... Cần lựa chọn những giống sắn ít nhiễm bệnh như KM 94, KM 98-5,... từ những vùng, ruộng hoàn toàn chưa bị nhiễm bệnh khảm lá và chọn những cây thân đều, thẳng, mắt nhặt để trồng cho vụ tới. Không mua bán, vận chuyển giống từ địa phương, vùng đang có bệnh vào địa bàn và từ địa bàn đang nhiễm bệnh sang các vùng khác.
+ Hướng dẫn người dân các biện pháp tự sản xuất giống sắn sạch bệnh theo Văn bản số 622/TT-CLT ngày 29/5/2019 của Cục Trồng trọt để làm giống cho những vụ tiếp theo. Xây dựng các mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh để cung cấp đủ nhu cầu giống sạch bệnh của người dân trong những năm tiếp theo.
+ Sau trồng thường xuyên theo dõi phát hiện và tiêu hủy cây bệnh kịp thời. Nếu có bọ phấn phải phun thuốc trừ bọ phấn trên cả ruộng nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày bằng các loại thuốc có hoạt chất như: Dinotefuran, Pymetrozine, Nitenpyram, Imidacloprid,... 
+ Sau tiêu hủy 15-30 ngày kiểm tra các diện tích đã xử lý, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn còn sót mọc mầm thì tiếp tục nhổ tiêu hủy triệt để. 
 

Tác giả bài viết: Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây