Kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ xâm lấn của cây mai dương tại Nghệ An

Thứ tư - 31/08/2022 05:59 474 0
Cây mai dương hay có nhiều tên gọi khác như: cây ma vương, cốt khí có gai, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ gai,... có tên khoa học là Mimosa pigra L. là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; đe dọa hệ sinh thái, môi trường cũng như nguy cơ xâm lấn đất nông nghiệp. Đây là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa cần phải được quan tâm tập trung diệt trừ.
Kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ xâm lấn của cây mai dương tại Nghệ An
Cây mai dương hay có nhiều tên gọi khác như: cây ma vương, cốt khí có gai, trinh nữ thân gỗ, trinh nữ gai,... có tên khoa học là Mimosa pigra L. là một trong những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm hiện đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; đe dọa hệ sinh thái, môi trường cũng như nguy cơ xâm lấn đất nông nghiệp. Mai dương thuộc họ Mimosaceae, là loài cây bụi, thân gỗ có nhiều gai cứng, mọc ở các vùng đất xáo trộn (đất trống, bờ ao, bờ sông, bờ ruộng, ven đường, bờ kênh mương...), đây là loài thực vật ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật bản địa cần được tạp trung quan tâm diệt trừ. 
anh cay mai duong tren bo kenh thuy loi tai xa khanh thanh huyen yen thanh
Hình ảnh cây mai dương xâm lấn trên kênh thủy lợi tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành Nghệ An

Cây Mai dương có hệ thống rễ cọc cắm sâu trong đất dài 1 – 2 m, rễ bên mở rộng đến 3,5 m, có khả năng ra hoa kết trái quanh năm. Thời gian từ khi cây có nụ đến khi có trái chín và hạt đầu tiên rụng xuống đất khoảng 35 - 37 ngày. Hạt mai dương rất cứng, khi chín thường rụng từng đốt chừa lại hai bìa trái. Hạt không nhất thiết phải trải qua thời kỳ ngủ nghỉ, nên nếu gặp điều kiện thích hợp hạt sẽ nảy mầm ngay với tỷ lệ khá cao, hạt có miên trạng tốt, có thể giữ sức nảy mầm đến 23 năm do đó hạt là nguồn lây lan chính. 
Cây mai dương khi phát triển mạnh, tạo thành một thảm cây bụi cao, đầy gai, làm cản trở việc đi lại của con người, động vật, súc vật chăn thả. Cây có sức sống mãnh liệt, có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh, hạt dễ phát tán, thích nghi tốt với hầu như mọi điều kiện môi trường, thổ nhưỡng, hấp thụ rất nhanh và nhiều chất dinh dưỡng nên làm cho đất nhanh bạc màu và lấn át các cây bản địa khác. 
Ở Nghệ An, hiện nay cây mai dương đã có mặt ở hầu khắp các vùng từ vùng đồi hoang hóa, vùng đất trống, ven đường giao thông, trên bờ kênh mương thủy lợi, ven bờ ruộng, vườn cây, sân bãi,... đã gây ảnh đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến thảm thực vật bản địa đặc biệt có nguy cơ xâm lấn các vùng đất trồng trọt. Để ngăn chặn sự lây lan và tác hại của cây mai dương đối với hoạt động sản xuất, hệ sinh thái thì các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể và người dân trên địa bàn cần biết về tác hại và tập trung diệt trừ loại cây nguy hiểm này.
- Tăng cường tuyên truyền để cộng đồng biết về nguy cơ, tác hại và cách diệt trừ cây mai dương.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xác định các khu vực có cây mai dương; đánh giá nguy cơ, mức độ xâm lấn của cây mai dương để xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức diệt 
- Các biện pháp diệt trừ cây mai dương
+ Đối với cây mai dương mọc đơn lẻ: Tiến hành nhổ cây con, thu hái hạt, chặt cây, đào hết gốc rễ để khô và đốt. Hạt sau khi thu gom tập trung về một địa điểm xác định để đốt triệt để, tránh rơi vãi, phát tán. 
+ Đối với cây mai dương mọc tập trung nhiều và dày: Chủ động sử dụng các biện pháp thủ công, kết hợp một cánh thận trọng việc dùng hóa chất trừ cỏ diện hẹp có kiểm soát, cụ thể: Khi cây còn nhỏ mọc lẫn trong thảm thực vật: Tiến hành nhổ bỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ có hoạt chất Metsulfuron Methyl phun theo điểm hoặc phun lên toàn bộ bề mặt; Nhổ phơi khô và đốt những cây chưa chết hoàn toàn. Khi cây đã lớn: Thu hái gom hạt về một điểm xác định để đốt triệt để hoàn toàn, tránh rơi vãi, phát tán; đốn chặt cây, phơi khô và đốt; trước khi cây kết hạt có thể tiến hành phun dung dịch nước muối NaCl pha nồng độ từ 10 - 60 gr/l hoặc phun thuốc có hoạt chất Glufosinate ammonium để cây rụng lá hoặc chết, sau đó đào hết gốc rễ để khô và đốt.
- Trường hợp trên các vùng đất trống, chưa hoặc không trồng trọt, cần khuyến cáo chủ sử dụng đất trồng các loài cỏ hoà thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía,… để làm thức ăn cho gia súc và tạo thảm thực vật hạn chế cây mai dương phát triển.
- Việc tổ chức ngăn ngừa, phòng trừ tổng hợp sự xâm hại của cây mai dương cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và thực hiện trong nhiều năm liền./.
 

Tác giả bài viết: Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây