Một số hiểu biết cơ bản về cỏ dại và biện pháp trừ cỏ dại trên ruộng lúa

Thứ năm - 10/02/2022 21:06 1.700 0
Một số hiểu biết cơ bản về cỏ dại và biện pháp trừ cỏ dại trên ruộng lúa

Trên đồng ruộng, bên cạnh sâu, bệnh hại thì cỏ dại là loại dịch hại thường xuyên và nguy hiểm đối với cây trồng. Chúng cạnh tranh mãnh liệt với cây trồng về nước, dinh dưỡng và ánh sáng dẫn tới làm giảm năng suất, phẩm chất cây trồng. Ngoài ra cỏ dại còn nguồn thức ăn và nơi trú ẩn của sâu, bệnh hại cây trồng. Tục ngữ Việt Nam xưa có câu "Công làm là công bỏ, công làm cỏ là công ăn"  đã nói lên tầm quan trọng và những thiệt hại to lớn do cỏ dại gây ra cho sản xuất nông nghiệp. Hiểu biết về cỏ dại để từ đó có biện pháp quản lí là rất quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao năng suất, phẩm chất cây trồng.
Một số hiểu biết chung về cỏ dại
- Về phân loại: Cỏ dại có nhiều cách xếp nhóm, xếp loại khác nhau và sau đây là một số cách phân nhóm phổ biến ở Việt Nam và  trên thế giới.
+ Dựa theo thời gian sinh trưởng ta có: Cỏ một năm, cỏ lâu năm. Cỏ một năm gồm các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào sau khi hoàn thành vòng đời của chúng. Cỏ lâu năm là những loại cỏ sống lâu hơn một năm, nhóm cỏ này thường có có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, khả năng sinh sản vô tính mạnh và khó diệt trừ.
+ Dự theo hình dáng ta có: Cỏ lá rộng (cỏ hai lá mầm), cỏ lá hẹp (cỏ một lá mầm).
+ Dựa và đặc điểm phân loại thực vật ta có: Nhóm cỏ hoà bản (là cỏ có bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá, thân tròn, rỗng ruột, lá mọc cách, rễ thương là rễ chùm, ăn nông. Nhóm cỏ chác lác (lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn ốc. Nhóm cỏ lá rộng (lá rộng, nằm ngang, mọc đối, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau. rễ thường là rễ cọc ăn sâu).
- Một số đặc điểm chính của cỏ dại: Cỏ dại thường có nhiều hình thức sinh sản (có thể sinh sản cả bằng thân ngầm, thân bò và hạt). Số lượng hạt trên cây và số mầm ngủ trên 1 đơn vị chiều dài của cỏ dại là rất lớn. Hạt cỏ sau khi chín thường dễ rụng và kèm theo hiện tượng chín không đều điều này giúp cho chúng kéo dài thời gian phóng thích hạt, mặt khác hạt cỏ thường rất nhỏ và nhẹ đồng thời có nhiều bộ phận phụ như: Gai, móc, lông…điều này giúp cho chúng dễ lan truyền. Hạt cỏ có thời kỳ ngủ nghỉ khi chôn vùi trong đất là hình thức tồn tại của nhiều loại cỏ trong các hệ thống trồng trọt khác nhau. Nó tạo ra một nguồn hạt cỏ liên tục ở trong đất. Khi ở trạng thái này một số loại cỏ có thể giữ sức nảy mầm sau nhiều năm, mặt khác Hạt cỏ có hiện tượng nảy mầm không, thời gian ngủ nghỉ của hạt là không giống nhau, chính điều này làm cho cỏ mọc lai rai trên đồng ruộng gây khó khăn cho việc phòng trừ.
Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa
- Biện pháp thủ công
+ Cày bừa, làm đất kỹ, thu dọn hết cỏ dại, san phẳng mặt ruộng ruộng. Bón phân đày đủ, cân đối tạo điều kiện cho cây lúa phát triển nhanh lấn át cỏ dại. 
+ Kết hợp bón thúc lần 1 với làm cỏ sục bùn. Giữ mực nước trong ruộng từ sau khi đến đẻ nhánh có tác dụng tốt trong hạn chế cỏ dại.
- Dùng thuốc hoá học phòng trừ cỏ dại: Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng ở nhiều thời điểm khác nhau. Khi sử dụng thuốc cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi sử dụng thuốc trừ cỏ theo nguyên tắc 4 đúng. Không lạm dụng thuốc trừ cỏ để diệt cỏ tránh ảnh hưởng đến cây trồng, môi trường và con người. 
+ Lựa chọn thuốc: Lựa chọn sử dụng thuốc trừ cỏ có hiệu lực cao nhưng ít độc hại với người và môi trường. Không sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng. Đối với lúa sạ sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm có chất an toàn. Đối với lúa cấy sử dụng các loại thuốc tiền nảy mầm và hậu nảy mầm sớm.
+ Các thuốc tiền nảy mầm (sử dụng sau gieo 1 – 4 ngày): Các hoạt chất Pretilachlor + CAT (Sofit 300EC, Prefit 300EC, 342 WP, Vithafit 300EC,...), Butachlor + CAT (Meco 60 EC, Heco 600 EC,...),...
+ Nhóm hậu nảy mầm sớm (sử dụng sau gieo cấy 5 – 10 ngày): Các hoạt chất Cyhalofop-butyl + Penoxsulam (Topshot 60 OD, Anstrong plus 60 OD,...), Propisochlor (Fenrim 18.5WP) Ethoxysulfuron (Sunrice 15 WG, Sunrice super 13.75 WG,...), Fenoxaprop-P-Ethyl (Whip’S 6.9 EC, Wipnix 7.5 EW,...),...
+ Nhóm hậu nảy mầm muộn (sử dụng sau gieo cấy 15 – 20 ngày): Các hoạt chất Cyhalofop-butyl (Clincher10 EC, Linhtrơ 200EW, Anstrong 10EC,...), Quinclorac (Facet 25 SC, Ankill A 40WP, ), Cyhalofop butyl + Quinclorac (Pitagor 550WP,...) Bentazone (Basagran 480 SL, ...),...
- Phương pháp xử lý thuốc
+ Sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn, không tự ý tăng hay giảm liều lượng. Sau khi phun thuốc cần giữ mực nước đều từ 1 - 3 cm trong 3 - 5 ngày để tăng hiệu lực trừ cỏ, không được để ruộng khô hoặc ngập úng gây chết lúa.
+ Không phun thuốc trừ cỏ khi mực nước trong ruộng ngập đỉnh sinh trưởng của lúa, không phun thuốc vào lúc nắng gắt hay có mưa, gió lớn. 
Lưu ý: Đối với ruộng có nhiều cỏ đuôi phụng cần ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Cyhalofop-butyl (Linhtrơ 200EW, Anstrong 10EC, Clincher10 EC, Pitago 550WP…). Những ruộng có nhiều cỏ lồng vực ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Quinclorac (Ankill A 40WP, Pitagor 550WP, Facet 25 SC...). Ruộng nhiều cỏ chác, lác sử dụng thuốc có hoạt chất Bentazone (Basagran 480 SL, ...).
 

Tác giả bài viết: Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây