Nhận diện và phòng chống “hiểm họa” lúa cỏ (lúa ma) trong sản xuất lúa tại ở Nghệ An

Thứ tư - 31/08/2022 06:40 1.641 0
Lúa cỏ hay còn có nhiều tên gọi khác nhau như lúa ma, lúa hoang, lúa dại,... là loài lúa như lúa trồng nhưng không có đặc điểm về năng suất, chất lượng người trồng mong muốn. Lúa cỏ có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ và có thể gây thất thu nghiêm trọng năng suất lúa trồng, thậm chí mất trắng. Hiện nay, theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lúa cỏ đã xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa Mùa đang thời kỳ làm đòng, trỗ tại các huyện Nghi Lộc (xã Nghi Diên, Nghi Vạn,...), Đô Lương (xã Văn Sơn, Thịnh Sơn,...), Anh Sơn (xã Phúc Sơn, Tường Sơn,...),... trong đó có một số ruộng lúa bị gây hại nặng. Các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể và người dân trên địa bàn cần hiểu biết về đặc điểm về tác hại và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống loại “dịch hại” nguy hiểm này.
Ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Ruộng lúa bị nhiễm lúa cỏ tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Lúa cỏ hay còn có nhiều tên gọi khác nhau như lúa ma, lúa hoang, lúa dại,... là loài lúa như lúa trồng nhưng không có đặc điểm về năng suất, chất lượng người trồng mong muốn. Lúa cỏ gây ảnh hưởng đến canh tác lúa thông qua cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng dẫn đến làm giảm sinh trưởng, năng suất lúa trồng. Lúa cỏ có khả năng lây lan nhanh, khó phòng trừ và có thể gây thất thu nghiêm trọng năng suất lúa trồng, thậm chí mất trắng. Hiện nay, theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lúa cỏ đã xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa Mùa đang thời kỳ làm đòng, trỗ tại các huyện Nghi Lộc (xã Nghi Diên, Nghi Vạn,...), Đô Lương (xã Văn Sơn, Thịnh Sơn,...), Anh Sơn (xã Phúc Sơn, Tường Sơn,...),... trong đó có một số ruộng lúa bị gây hại nặng. 
Để phòng trừ, ngăn chặn tác hại và sự lây lan của lúa cỏ trong sản xuất lúa các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể và người dân trên địa bàn cần hiểu biết về đặc điểm về tác hại và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống loại “dịch hại” nguy hiểm này.
1. Nhận biết lúa cỏ trên đồng ruộng: Cây lúa cỏ sinh trưởng nhanh, thân mảnh và đứng, phiến lá nhỏ, thường có màu vàng hơn lúa trồng. Cây lúa cỏ đẻ nhánh kém, thân mảnh, lóng vươn dài, lá thưa, phiến lá nhỏ. Giai đoạn trỗ bông lúa cỏ trỗ sớm hơn lúa trồng từ 5-7 ngày, thời gian trỗ kéo dài, trên bông có hạt đang phơi màu, hạt ngậm sữa, hạt chắc xanh nên không có sự đồng đều về màu sắc bông lúa như lúa trồng; hạt lúa có râu dài hoặc không có râu; hạt có dạng thon dài hoặc bầu dục mầu vàng - vàng sẫm, có dạng hạt có mỏ tím, tỉ lệ lép cao.
anh bong va hat lua co
Hình ảnh bông và hạt lúa cỏ

 2. Đặc điểm sinh học, sinh thái của lúa cỏ: Qua nhiều vụ canh tác, lúa cỏ cũng có sự giao phấn (tỷ lệ nhỏ) với lúa trồng, việc tự để giống khiến lúa phân ly với tính trạng xấu trở nên phức tạp, khó nhận biết và khó quản lý hơn. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn, hạt lúa rất dễ rụng ngay cả khi có gió thoảng qua. Sau khi hạt rụng xuống nếu gặp điều kiện thuận lợi có thể nảy mầm ngay, nếu gặp điều kiện bất thuận (khô hạn, vùi sâu trong bùn,…) hạt có thể ngủ nghỉ nhưng vẫn có sức sống cao, duy trì sức nảy mầm trong vài năm. Do vậy lúa cỏ tồn tại, tích tụ lâu trong đất và tăng dần số lượng qua các vụ. Cây lúa cỏ thường xuất hiện ở tất cả các vụ trồng lúa, xuất hiện nhiều ở vụ Mùa, vụ Hè Thu.
3. Tác hại của lúa cỏ: Lúa cỏ có khả năng lây lan rất nhanh làm thất thu năng suất lúa trồng và khó phòng, chống. Lúa cỏ sinh trưởng và phát triển rất mạnh, cạnh tranh trực tiếp về dinh dưỡng, ánh sáng và có thể gây thất thu năng suất từ 15-20%, thậm chí mất trắng, đồng thời lây nhiễm càng trầm trọng cho những vụ sau. Ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng làm giảm phẩm chất gạo cũng như giảm giá trị tiêu dùng và xuất khẩu do lẫn tạp.
4. Lây lan của lúa cỏ: Hạt giống bị lẫn lúa cỏ, khi vận chuyển giống từ các địa phương, vùng có lúa cỏ đến các địa phương, vùng khác sẽ làm lây lan khi gieo trồng. Việc thường xuyên sử dụng lúa thương phẩm làm giống lúa bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính của nguồn gốc lúa hoang dại ban đầu (hiện tượng lại giống) và xuất hiện lúa cỏ với nhiều kiểu hình khác nhau. Việc người dân tự để giống lúa, nhất là sử dụng giống trong vùng đã nhiễm lúa cỏ để gieo cấy cho vụ sau làm gia tăng lúa cỏ trên đồng ruộng. Thời gian chuyển vụ ngắn nên nguồn hạt lúa cỏ lưu tồn trên đồng ruộng từ những vụ trước chưa được xử lý. Hạt lúa cỏ có thể di chuyển, phát tán nhờ nguồn nước, nhờ chim hoặc theo máy móc, nông cụ (máy làm đất, máy gặt, …) từ ruộng này sang ruộng khác, nơi này sang nơi khác.
nong dan thuc hien phong tru lua co vu mua 2022 tai huyen do luong tinh nghe an
Nông dân tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An tiến hành phòng trừ lúa cỏ trên lúa vụ Mùa năm 2022 

5. Các biện pháp phong chống lúa cỏ
-  Tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho các địa phương và nông dân về đặc điểm, tác hại và sự lây lan của lúa cỏ trên đồng ruộng.
- Khẩn trương phân công, chỉ đạo cán bộ chuyên môn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện để xác định những vùng, diện tích bị nhiễm lúa cỏ cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, đặc biệt trong thời gian lúa ôm đòng trỗ đến chắc xanh. 
- Các Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cần khẩn trương tham mưu các biện pháp kỹ thuật phòng trừ kịp thời, cụ thể cho UBND các cấp, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan trên địa bàn tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, nông dân phòng trừ hiệu quả, hạn chế tối sự lây lan của lúa cỏ trên đồng ruộng trong những vụ tiếp theo.
    - Trước mắt đối với những diện tích lúa Hè thu, Mùa đang bị lúa cỏ gây hại: Cần tập trung hướng dẫn nông dân khẩn trương cắt các bông lúa cỏ càng sớm càng tốt để tiêu hủy bằng cách đốt hoặc làm thức ăn cho gia cầm. Khi cắt cần thao tác nhẹ nhàng, cho vào túi để tránh rơi vãi trên đồng ruộng. Tuyệt đối không để lúa cỏ chín trên ruộng, bờ ruộng hoặc vứt xuống mương dẫn nước. Khi thu hoạch những vùng bị nhiễm lúa cỏ cần vệ sinh máy trước khi di chuyển sang vùng khác để hạn chế sự lây lan lúa cỏ từ những ruộng bị nhiễm sang những ruộng chưa bị nhiễm. Sau khi thu hoạch có thể đưa vịt vào ruộng để ăn lúa rụng trong đó có cả hạt lúa cỏ.
- Đối với vụ lúa tiếp theo: 
+ Cần lựa chọn, sử dụng các giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng, không tự để giống lúa đối với ruộng đã nhiễm lúa cỏ từ vụ trước; loại bỏ hạt lép lửng trước khi ngâm ủ (đối với lúa thuần).
+ Trên những vùng đã bị nhiễm lúa cỏ ở vụ trước cần hạn chế gieo sạ và chuyển sang cấy để dễ dàng làm cỏ sục bùn, nhận biết và loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.
+ Những ruộng đã bị lúa cỏ gây hại nặng trước khi gieo cấy cần cày bừa san phẳng ruộng sau đó rút nước để lúa cỏ mọc mầm đến 3 – 5 là thì cày bừa lại để tiêu diệt lúa cỏ ngay khi còn non, nếu có đủ thời gian tiến hành lặp lại 2 – 3 lần sẽ diệt được hầu hết lúa cỏ bị vùi trong đất.
+ Sau khi gieo cấy cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và loại bỏ lúa cỏ ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa./.
 

Tác giả bài viết: Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây