Bão Noru gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và các giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới

Thứ sáu - 30/09/2022 03:40 508 0
Nếu như người dân các tỉnh nằm trong vùng tâm bão Noru đổ bộ đang tốc lực khắc phục hơn 2500 ngôi nhà bị tốc mái, đổ sụp, hàng trăm công trình bị hư hỏng thì nông dân lại Nghệ An lại đang thất thần đứng nhìn hàng nghìn ha lúa, hoa màu ngập chìm trong biển nước.
Bão Noru gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp  và các giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới
Mặc dù không nằm trong vùng tâm bão Noru đi qua nhưng người dân Nghệ An đang lao đao, gồng mình trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Tính từ ngày 28/9 đến 13h ngày 29/9 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-470 mm. Một số trạm KT có lượng mưa lớn được kể đến như KT Quỳnh Lưu: 475mm; KT Quỳ Châu: 70 mm, KT Quỳ Hợp:121 mm, KT Tây Hiếu: 168 mm, TV Nghĩa Khánh: 239  mm, TV Con cuông: 245 mm, TV Dừa (Anh Sơn): 234 mm; KT Đô Lương: 338 mm; TV Yên Thượng  (Thanh Chương): 349 mm; TV Nam Đàn: 369 mm; TV Chợ Tràng (Hưng Nguyên): 273 mm, TV Cửa Hội: 314 mm, Tv Vinh: 306 mm, KT Hòn Ngư: 239 mmm. 
Chiểu ngày 29/9/2022, Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng cán bộ chuyên môn đã đi kiểm tra thực tế một số địa phương bị ngập như Nam Đàn, Hưng Nguyên.
Tính đến 16h ngày 29/9, mưa lớn do hoàn lưu bão Noru đã làm cho 7.531,9 ha các loại cây trồng trên toàn tỉnh bị ngập, Trong đó: Diện tích cây lúa bị ngập là: 989,9 ha.  Diện tích ngô, lạc, rau màu các loại bị ngập: 5.730,3 ha. Diện tích mía, sắn và CAQ bị ngập: 789,5 ha và Diện tích cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng: 21,5 ha. Trước tình trạng mực nước lũ tiếp tục tăng cao thì các vùng chuyên canh rau như Quỳnh Lưu, Diễn Châu ... nguy cơ phải gieo trồng lại. 
 

                                                           
                                                                                                  Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra thiệt hại do bão tại huyện Nam Đàn
Quan sát trên các cánh đồng rau màu của vùng chuyên canh huyện Quỳnh Lưu sáng 30/9, mặc dù mưa đã ngớt nhưng gần 1.400 ha rau tại các xã Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thọ vẫn đang chìm sâu trong nước. 
                                                                                Cánh đồng chuyên canh rau tại huyện Quỳnh Lưu sau bão Noru
Đang trong tháng của mùa mưa nên ngoài thiệt hại về kinh tế thì người nông dân còn mất một khoảng thời gian dài để chờ đất ráo, xử lý đất sau ngập mới có thể tiếp tục tái sản xuất.
Dự báo trước được khả năng ảnh hưởng lớn do hoàn lưu bão, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tham mưu Sở Nông nghiệp ban hành Công văn số 3431/SNN-QLKT&KHCN ngày 27/9/2022 đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã, thôn xóm tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất sau mưa lớn gây ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã khẩn trương thống kế đánh giá mức độ ảnh hưởng để có giải pháp khôi phục sản xuất như: huy động các nguồn lực khơi thông dòng chảy, bơm tiêu thoát nước kịp thời để không bị ngập úng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.  
Đối với cây trồng vụ Hè Thu – Mùa và cây trồng vụ Đông:
 Tranh thủ thời tiết thuận lợi tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa, rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. 
Đối với cây trồng vụ Đông: Khuyến cáo nông dân khơi thông nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng, sau khi rút nước cần vệ sinh đồng ruộng, tiến hành xới xáo phá váng vun gốc để tạo thông thoáng, chống nghẹt rễ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi, khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thông thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK, ... Những diện tích cây trồng có khả năng phục hồi tiến hành chăm sóc, những diện tích ngập úng nặng, không có khả năng phục hồi cần chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại.
Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp
 Đối với cây ăn quả tiến hành cắt tỉa để cây được thông thoáng, cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã; đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái. Xẻ mương, rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi vườn cây để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.
 Sau khi rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng, phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Cu, B, Zn... tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Cần vun gốc, dậm chặt các cây bị long gốc, bổ sung các thuốc phòng trừ nấm rễ hoặc tưới các chế phẩm sinh học nấm đối kháng. Khi bộ rễ cây đã phục hồi mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây. Theo dõi thường xuyên, kịp thời phòng trừ các bệnh rễ do nấm gây hại.

                                                                          Nguyễn Tiến Đức
                                                       Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây