Khó khăn, thách thức trong SX lúa và đề xuất giải pháp

Thứ sáu - 11/11/2022 04:29 4.693 0
Khó khăn, thách thức trong SX lúa và đề xuất giải pháp
KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SẢN XUẤT LÚA Ở NGHỆ AN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
-------------****---------------

Nghệ An là tỉnh nông nghiệp có diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 180.000ha để có sản lượng gần 1 triệu tấn bảo đảm an ninh lương thực cho số dân gần 3,4 triệu người. Trong thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau nên sản xuất Lúa ở Nghệ An đang có xu hướng một số vùng bà con nông dân bỏ ruộng, không mặn mà sản xuất, nhất là đối với vụ Hè thu – Mùa. Bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến một số khó khăn, thách thức đối với sản xuất Lúa hiện nay và đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới đó là:
I. VỀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC:
1: Tác động của thời tiết:
- Trong hai vụ sản xuất Lúa thì: Vụ Xuân thường chịu ảnh hưởng bởi các đợt rét, rét đậm, rét hại vào tháng 1 - 2 là thời kỳ gieo mạ, sạ và cấy lúa; Vụ Hè thu – Mùa: thường gặp nắng hạn đầu vụ, có năm kéo dài cả tháng kèm theo gió phơn khô “ Gió Lào” làm thiếu nước trầm trọng không gieo cấy được, chậm thời vụ nhất là những diện tích ở cuối dòng chảy và cao cưỡng,…Đến giữa và cuối vụ thường gặp mưa to, bão lụt, lốc xoáy ở thời kỳ lúa trỗ - chín,…. Ví dụ: Vụ Xuân 2018: Thiệt hại do rét 3.065ha trong đó có 1.010 bị trên 70%, 2.036ha bị từ 30-70%; Hè thu 2019 có 15.223 bị hạn nặng làm giảm năng suất, có 2.425 ha không gieo cấy, ngập úng do lụt 2.818ha,…Đây là nguyên nhân cơ bản, thách thức nhất làm ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất, đã có nhiều vụ có không ít diện tích mất ăn do ngập lụt không thu hoạch được.
   
  Lúa gặp hạn trong vụ Hè thu 2019         Lúa gặp lốc xoáy vụ hè Thu 2020

             Lúa chết rét trong vụ Xuân 2018

2: Ảnh hưởng của các dối tượng dịch hại:
- Vụ Xuân: Đối tượng gây hại chủ yếu như: Bệnh Đạo ôn lá - cổ bông; Bệnh Bạc lá - đốm sọc do vi khuẩn; Bệnh Khô Vằn; Bệnh đen lép hạt; Rầy nâu – rầy lưng trắng; Nhện ghé, Ốc Bươu vàng,...
- Vụ Hè thu – Mùa: Đối tượng gây hại chủ yếu như: Sâu cuốn lá nhỏ; Sâu đục thâm;  Rầy nâu – rầy lưng trắng; Bệnh Bạc lá - đốm sọc do vi khuẩn; Bệnh Khô Vằn; Bệnh đen lép hạt; Nhện ghé, Ốc Bươu vàng,...
- Chuột gây hại quanh năm và hại nặng, tập trung ở thời kỳ gieo mạ, gieo sạ và lúa làm đòng – trỗ; Những ruộng gần làng – dân cư, mương máng, khu công nghiệp, đầm lầy,…là nơi cư trú của chuột nên thường bị gây hại nặng.
- Ốc Bươu Vàng: Thường gây hại nhiều ở đầu vụ khi lúa còn non, mới gieo, đẻ nhánh về sau Ốc lại đẻ trứng ngay trên thân lúa, gốc rạ, bụi cỏ cây, bờ mương, ao ruộng,…
Dịch hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa, làm giảm năng suất, chất lượng thậm chí đến mất trắng. Việc phải phòng trừ dịch hại sẽ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, chất lượng sản phẩm và thậm chí nhiều khi đã phòng trừ nhưng vẫn bị thất thu.
   
     Lúa bị bệnh Đạo ôn Lá                                 Lúa bị sâu đục thân

3: Giá cả vật tư đầu vào và chi phí lao động:
- Các loại vật tư đầu vào như: Giống, Phân bón, Thuốc bảo vệ thực vật,...thời gian vừa qua liên tục tăng cao, đặc biệt từ khi xẩy ra Đại dịch Covid – 19 và chiến sự Nga - Ukraina đến nay mặt hàng Phân Bón hóa học đã tăng chóng mặt làm cho chi phí đầu vào của sản xuất tăng cao, trong khi giá lúa gạo không tăng thậm chí giảm vì vậy sản xuất lúa lãi thấp thậm chí không có lãi và thua lỗ.
- Đối với sản xuất lúa hiện nay hầu hết bà con nông dân phải thuê gặt, làm đất và có khi cả gieo cấy, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh,...với mức giá khá cao so với giá trị Lúa mang lại, nếu tính đủ cho tất cả các công lao động khác thì lãi nhuận từ sản xuất lúa rất thấp, thậm chí lỗ.
4: Lực lượng lao động:
Do xu thế phát triển của xã hội, lực lượng lao động nông nghiệp (nhất là lao động trẻ) đang có xu hướng chuyển sang làm tại các khu công nghiệp ngay tại địa phương hoặc đi ra các tỉnh khác và đi xuất khẩu lao động. Vì vậy lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay chủ yếu người trung niên, tuổi cao hoặc chắp vá theo kiểu tranh thủ làm thêm ruộng, do đó năng suất lao động thấp, việc bảo đảm gieo cấy đúng thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật gặp khó khăn nhất là vụ sản xuất Hè thu.
5: Tác động của lấy đất làm đường, khu công nghiệp và dân cư:
Thực tế hiện nay hàng năm không ít diện tích đất lúa được chuyển đổi sang phục vụ cho nhu cầu làm đường giao thông (Cao tốc, Quốc lộ, tỉnh lộ), xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư. Do không đồng bộ nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc làm ách tắc dòng chảy, dễ bị ngập lụt sau mưa lớn hoặc khó đưa nước về tưới cho lúa. Mặt khác còn ảnh hưởng đến môi trường do nguồn nước thải, là nơi Chuột cư trú sinh sống, ánh đèn điện cũng làm thu hút thêm côn trùng, bướm,...dẫn đến những ruộng gần khu dân cư thường bị sâu bệnh và chuột gây hại nhiều hơn. Ngoài ra còn làm cản đường đi của gió, tạo ra gió quẩn làm cho nhiều ruộng lúa bị đổ ngã,...
6: Nhu cầu tiêu dùng:
Thực tế hiện nay ngoài việc ăn no thì còn phải ăn ngon nhất là những người có điều kiện, dân sống khu vực đô thị đã không dùng lúa gạo sản xuất trong tỉnh mà chủ yếu ăn gạo nhập từ Thái, Camphuchia, từ Miền Nam ra cũng là nguyên nhân tác động đến sản xuất lúa của Tỉnh.
7. Khó khăn khác:
- Công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, chưa cụ thể, có lúc có khi còn phó thác cho cán bộ chuyên môn hoặc để người dân tự làm;
- Công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất;
- Cơ chế chính sách còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa có tính trọng điểm, tập trung, đột phá,…
- Hoạt động của các HTX chưa hiệu quả, liên kết sản xuất chưa được nhiều, chưa tạo được thương hiệu riêng mang tính lan tỏa cho lúa – gạo Nghệ An;
- Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, ứng dụng cơ giới hóa,..nguồn kinh phí đầu tư hạn chế nên không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất;
- Đất sản xuất lúa còn nhiều ô thửa, manh mún, việc tích tụ ruộng đất, thuê đất,..còn gặp khó khăn.

II: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để hạn chế tác động của các khó khăn, thách thức đối với sản xuất Lúa trong thời gian tới nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất, hạn chế việc bỏ ruộng chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
1: Sử dụng diện tích trồng lúa:
Trên cơ sở quỹ đất đã được phê duyệt quy hoạch trồng Lúa của tỉnh tại QĐ số 4531/QĐ-UBND ngày 08/10/2013 V/V phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trồng lúa tỉnh Nghệ An đến năm 2020 có tính đến năm 2030 (DT đất trồng Lúa năm 2030 là 87.188ha trong đó DT trồng lúa nước là 81.195ha, lúa rẫy là 5.122ha) và kế hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm của UBND Tỉnh giao. Các địa phương cần rà soát kỹ để xác định đưa vào kế hoạch sản xuất hàng vụ cho phù hợp với thực tế từng địa phương theo hướng: Chỉ sản xuất Lúa ở những vùng bảo đảm an toàn, có hiệu quả, nhất là trong vụ Hè thu – Mùa, chuyển đổi những diện tích lúa không có khả năng tưới, kém hiệu quả sang trồng những cây màu khác, những vùng hay ngập lụt thì chủ động đưa vào kế hoạch không sản xuất để có hướng nghiên cứu dần sang sản xuất những thứ khác thay thế lúa.  
- Khi có nhu cầu đầu tư các khu công nghiệp, dân cư trên địa bàn, các địa phương không nên và hạn chế tối đa việc chuyển đổi những vùng đất trồng lúa tốt, hiệu quả sang làm công nghiệp; Khi san lấp mặt bằng, xây dựng phải đảm bảo làm sao không cản trở đến dòng chảy hiện có để tránh ngập lụt cục bộ hoặc khó đưa nước về tưới cho lúa.
2: Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi:
- Sản xuất lúa luôn cần nguồn nước tưới bảo đảm đủ theo từng giai đoạn sinh trưởng vì vậy việc đầu tư đồng bộ hệ thống hồ đập chứa nước, mương máng, trạm bơm,...là rất cần thiết bảo đảm nước tưới đủ cho những diện tích cuối kênh để gieo trồng đúng thời vụ. Mặt khác tiến tới phải tiêu úng được khi mưa to ngập đồng nhất là giai đoạn lúa trỗ đến chín.
- Nâng cấp các trục đường lớn ra đồng, bờ ruộng để thuận lợi cho các máy (cày, gặt, kéo,…) ra đồng thuận lợi; Tu bổ các bờ vùng, bờ thửa to và chắt chắn đảm bảo dễ đi lại chăm sóc lúa và ngăn giữ nước tốt cho từng ruộng.
- Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi cần phải có nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên phải dành nguồn lực nhất định từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư làm một cách có hệ thống theo hướng đồng bộ và ưu tiên công trình trọng điểm cả trước mắt và lâu dài.
3: Kiểm soát dịch hại:
Đối với sản xuất Lúa thường xuyên phải đối mặt với các loài dịch hại, rất ít năm có sự an toàn không phải tiến hành phòng trừ. Vì vậy cần phải thực hiện nhiều biện pháp song hành để kiểm soát hạn chế dịch hại đó là: Trước hết phải quan tâm đến việc đánh giá lựa chọn bộ giống Lúa đưa vào cơ cấu theo hướng nhiễm sâu, bệnh nhẹ hoặc có tính kháng bệnh, loại bộ ra khỏi cơ cấu những giống nhiễm bệnh nặng; Ứng dụng quy trình chăm sóc tiên tiến như SRI, IPM, 3 giảm 3 tăng, tăng diện tích lúa cấy, gieo thưa, bón cân đối, tăng phân chuồng,...nhằm hạn chế phát sinh sâu bệnh hại; Cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo các dịch hại kịp thời, chính xác để cảnh báo cho người dân biết từ đó có hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả cho người dân thực hiện; Tăng cường năng lực về chuyên môn trồng trọt và BVTV cho cán bộ cấp xã, xóm, thôn, bản,…để họ nắm bắt và phản ánh kịp thời cho cán bộ chuyên môn cấp huyện biết; Nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng cho người dân khi phải phòng trừ dịch hại để vừa phòng trừ hiệu quả vừa hạn chế tác hại đến môi trường.
4: Ứng dụng cơ giới hóa, tích tụ ruộng đất:
- Đẩy mạnh ứng dụng các máy móc như: Làm đất, Gieo – Cấy, Thu hoạch, Sấy Lúa, Vận chuyển,…nhằm tăng năng xuất lao động đặc biệt trong xu thế lực lượng lao động trẻ hiện đang dịch chuyển sang các ngành nghề khác, nhất là máy cấy, sấy lúa trong mùa mưa,…
- Công tác dồn điền đổi thửa theo chỉ thị 08 ngày 08/5/2012 của ban thường vụ tỉnh ủy “về đẩy mạnh cuộc vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp” đã đạt được nhiều kết quả, số ruộng của mỗi hộ dân ít hơn, diện tích lớn hơn, bờ vùng bờ thửa cũng rộng hơn. Tuy nhiên, thực tế các thửa ruộng hiện nay vẫn còn nhỏ, manh mún khó áp dụng cơ giới hóa làm đất, gặt, cấy,…Vì vậy cần phải được nghiên cứu thêm để đề xuất tỉnh có chủ trương mới dồn điền đổi thửa lần nữa cho ruộng to hơi, một gia đình ít đám ruộng hơn để đầu tư sản xuất lâu dài. Mặt khác cũng cần nghiên cứu vẫn đề tích tụ ruộng đất để có hướng cho các doanh nghiệp, HTX, cá nhân có nhu cầu sản xuất lớn thuê được đất hoặc nông dân góp vốn bằng đất để sản xuất lớn,…
5: Bố trí thời vụ, cơ cấu giống và quy trình canh tác:
- Tổng kết tình hình thực tiễn sản xuất, diễn biến thời tiết, đặc tích giống,…trong thời gian qua để bố trí thời vụ một cách hợp lý nhằm né tránh, giảm thiệt hại do thiên tai (Vụ xuân bố trí để lúa trỗ xung quang tiết cốc vũ 20/4; Vụ Hè thu phải gieo cấy sớm để thu hoạch trước 30/8 đến 15/9).
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống lúa vào tỉnh làm các mô hình, khảo sát, đánh giá, lựa chọn ra bộ giống phù hợp với điều kiện Nghệ An theo hướng giảm gần Lúa Lai, tăng lúa thuần, lúa có chất lượng, giống nhiễm bệnh nhẹ, kháng bệnh và loại bỏ những giống nhiễm sâu bệnh ra khỏi cơ cấu,…Lựa chọn bố trí giống phù hợp với từng vùng của các địa phương theo hướng mỗi cách đồng chỉ sử dụng 1vài giống để dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại;
- Đẩy mạnh sản xuất lúa theo các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: SRI, IPM, 3 giảm 3 tăng,…theo hướng “ứng dụng toàn phần hoặc từng phần” để bà con nông dân thực hiện trên toàn bộ diện tích sản xuất lúa của mình. Hạn chế diện tích Lúa gieo thẳng, chỉ gieo ở những vùng bà con đã có kinh nghiệm và nên gieo thưa để tiết kiệm giống, giảm công dặm tỉa, giảm sâu bệnh hại,…
6: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tạo thương hiệu sản phẩm:
- Thực tế cho thấy những vùng có sự liên kết sản xuất cùng với Hợp tác xã, các doanh nghiệp,…như sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm để chế biến gạo,…rất có hiệu quả vì sẽ được sự hỗ trợ về kỹ thuật, làm cùng một loại giống, sử dụng giống có chất lượng, được kiểm soát sâu bệnh thường xuyên và được thu mua sản phẩm với giá cao hơn nên sản xuất có hiệu quả. Vì vậy các địa phương cần chủ động thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào để đầu tư; Nâng cao vai trò hoạt động của các HTX kiểu mới giúp bà con khâu nối, kết nối với doanh nghiệp;
- Phát huy tốt các làng nghề, nghề chế biến sản phẩm từ gạo như: Làm bánh đa, Bún, Bánh mướt, Xôi, chế biến thức ăn chăn nuôi,…để tăng nhu cầu sử dụng Lúa kích thích bà con nông dân sản xuất
- Tỉnh có chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh để sản xuất Lúa với quy mô lớn, xây dựng các nhà máy chế biến gạo, sản xuất giống, kết nối tiêu thụ sản phẩm,…tạo thương hiệu gạo của Nghệ An nói chung và từng loại gạo đặc sản nói riêng để tăng cung ứng ra thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng tăng của người tiêu dùng. Giảm dần việc người dân sống khu vực đô thị phải mua gạo nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao.
7. Công tác chỉ đạo, khuyến nông, Cơ chế chính sách:
- Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp nhất là vai trò chỉ đạo của cấp cơ sở “khối, xóm, thôn, bản – xã ” để bà con nông dân sản xuất đúng kế hoạch đề ra, đúng định hướng, đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ, phòng trừ dịch hại tốt,…để sản xuất có hiệu quả hạn chế việc bỏ ruộng không sản xuất, sản xuất chỉ một vụ.
- Tăng cường công tác khuyến nông: Xây dựng các mô hình sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông nghiệp ở cơ sở và bà con nông dân để họ chủ động sản xuất.
- Ngoài những chính sách của Trung Ương, Tỉnh hiện hành, ngành nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có đề xuất với HĐND tỉnh ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính ổn định và đột phá để kích cầu người sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa – gạo trên địa bàn tỉnh./.
                                                                  
                                                   Nghệ An, tháng 11/2022
                  Nguyễn Đình Hương – Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây