Một số chú ý trong sản xuất vụ đông 2022

Thứ tư - 31/08/2022 00:10 604 0
Mô hình Bí xanh tại Đô Lương
Mô hình Bí xanh tại Đô Lương
MỘT SỐ CHÚ Ý TRONG  SẢN XUẤT CÂY TRỒNG VỤ ĐÔNG NĂM 2022
---------------------------------
Vụ Đông ở tỉnh ta được xác định là vụ sản xuất quan trọng, là vụ sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ Đông chỉ diễn ra trong thời gian ngắn 3-4 tháng với quy mô gieo trồng khoảng 35.000ha cho các loại cây nhưng lại cho tổng thu trên 1.300 tỷ đồng chiếm trên 8% tổng thu về sản xuất nông nghiệp trong năm. Tuy nhiên, sản xuất vụ Đông luôn gặp nhiều khó khăn như: Mất mát do lụt bão, lốc xoáy, dịch hại, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, tiêu thụ sản phẩm không ổn định, khi thừa khi thiếu,...Để sản xuất vụ Đông 2022 đạt kết quả cao nhất Các địa phương và bà con nông dân cần chú ý một số vẫn đề sau:
                   

                 Sản xuất Rau  vụ Đông ở xã Lưu Sơn – Đô Lương

1: Về kế hoạch, chỉ tiêu: Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 35.430ha cây trồng các loại (Ngô, lạc, rau đậu các loại, khoai lang, khoai tây). Cụ thể:
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây ngô 19.500,0    
  Trong đó: Ngô trên đất 2 lúa 2.500,0    
1.1 Cây ngô lấy hạt 14.500,0 48,0 69.600,0
1.2  Ngô lấy thân lá làm thức ăn chăn nuôi 5.000,0 300,0 150.000,0
2 Cây lạc 1.450,0 25,5 3.697,0
3 Rau đậu các loại 12.500,0 140,0 175.000,0
   Trong đó: Diện tích rau trên đất lúa 765,0    
4 Khoai lang 1.450,0 66,0 9.570,0
5 Khoai tây 530,0 150,0 7.950,0
  Khoai tây thực hiện liên kết bao tiêu 457 150,0 6.855,0

   2: Về thời vụ: Căn cứ vào từng vùng, từng loại cây trồng cụ thể để tiến hành gieo trồng cho phù hợp.
* Cây ngô:
+ Ngô trên đất 2 lúa: Nên gieo trồng tập trung trên vùng đất cao ít bị ngập lụt, thoát nước tốt, ưu tiên sử dụng giống ngô ngắn ngày, ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp lấy bắp bán ăn tươi. Thời vụ kết thúc trước 30/9 (càng sớm càng tốt) để bảo đảm thời gian cho gieo trồng vụ lúa Xuân 2013.
+ Trên vùng đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đồi vệ, vùng lúa cao cưỡng chuyển sang làm màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đủ ẩm,…tiến hành gieo trồng ngay và kết thúc gieo xong trước ngày 20/9.
+ Trên vùng đất bãi cao ven sông, suối: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và tình hình thời tiết, khi thuận lợi mới gieo trồng, tránh ngậm lụt.
+ Những vùng trồng ngô lấy thân lá làm thức ăn xanh cho bò có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm: Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, căn cứ vào hợp đồng thu mua và thời gian sinh trưởng của giống để lựa chọn thời gian gieo trồng thích hợp nhằm đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch.
* Cây lạc: Kết thục gieo trồng trước ngày 10/9.
* Các loại rau đậu khác: Tuỳ từng loại cây như hành, tỏi, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, lấy quả,…có thể trồng rải rác từ đầu tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
Trên đất 2 lúa, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau để gieo trồng sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ lúa Xuân năm sau.
* Cây Khoai lang: Trồng từ 10/9 - 05/10. Trên đất lúa, trồng càng sớm càng tốt để đảm bảo gieo cấy lúa Xuân năm sau.
* Cây khoai tây: Trồng từ ngày 01 – 10/11.
3. Về sử dụng giống:
* Cây ngô:                                       
+ Đối với ngô trồng lấy hạt, sử dụng các giống chủ lực như: DK6919S, NK7328Bt/GT, NK7328, CP511,  CP 111, LVN14, NH68, MX6,…
+ Đối với  ngô lấy sinh khối sử dụng giống: NK7328, CP111, PSC747, AG69,…các địa phương liên hệ với các Công ty chăn nuôi bò sữa, bò thịt như Công ty TH true milk, Vinamilk,…để ký hợp đồng sản xuất.
+ Ngô lấy bắp ăn tươi sử dụng các giống: HN68, MX10, MX6, Fancy 111, NH92,…
* Cây lạc: giống L14, L23, L26, TB 25, sen lai 75/23, TK10, L20.
* Cây khoai lang: Khoai lang KLC266, K4, Hoàng Long, KL20-209,…
* Cây khoai tây: Sử dụng các giống (Atlantic, Marabel, Diamant, Solara,...( phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn giống chất lượng),...
* Các loại rau đậu: Phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau, đậu phù hợp. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích rau các loại trên đất lúa, trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp, có giá trị cao để tăng thêm hiệu quả kinh tế. Có thể sử dụng các giống rau như:
+ Rau cải (Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,...); Bắp cải ( KK cross, Thúy Phong,...); Súp lơ (Mantop, Green Magic, Thanh Hoa,...);  Bí xanh (Bí xanh số 1, Nova 209, An Điền 686,...); Cà rốt (Takii 103, Takii 108, Takii 444,...); Su hào (Worldcol B52, Winner,...); Cà chua (Savior, VT10, NH 2764, C95, Tre việt 10,..); Dưa chuột (PC4, PN – 636, VL – 636, Kichi 207,…);…














                         (Mô hình Dưa chuột Vietgap tại xã Minh Thành – Yên Thành)
4. Về bố trí cơ cấu cây trồng:
Vụ Đông tuy diện tích không nhiều nhưng lại gieo trồng rất nhiều loại cây trồng như: Ngô (có ngô lấy hạt, ngô lấy sinh khối, ngô lấy bắp ăn tươi); Rau (có nhóm rau củ quả, nhóm rau lấy thân lá, nhóm rau thơm,…); Lạc, Khoai lang, Khoai Tây, Đậu các loại,…Vì thế nên cần phải bố trí cơ cấu về diện tích, thời vụ, chủng loại,…cho hợp lý tránh việc một loại rau, loại ngô,…diện tích quá nhiều dẫn đến dư thừa, giá thấp khi thu hoạch và ngược lại.
- Đối với Ngô: đặc biệt là Ngô lấy sinh khối thì phải căn cứ vào nhu cầu của các công ty nuôi Bò (thịt, sữa) để liên kết ký hợp đồng bao tiêu thì mới tiến hành sản xuất; Ngô lấy bắp ăn tươi căn cứ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và kinh nghiệm của các vụ trước để sử dụng loại giống, vùng đất, diện tích,thời vụ,…cho hợp lý;
- Đối với khoai tây: Nên sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu hết sản phẩm khi thu hoạch;
- Đối với rau các loại: Từng gia đình, từng địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thị trường và rút kinh nghiệm những vụ trước để bố trí cơ cấu tỷ lệ các chủng loại rau cho phù hợp theo hướng rải vụ, đa dạng loại rau.











          (SX Rau an toàn vụ Đông ở Diễn Châu)                           
5. Về cơ chế chính sách:
Bên cạnh các chính sách của trung ương, các địa phương tập trung thực hiện tốt các chính sách của tỉnh đã ban hành tại: Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ an giai đoạn 2022 – 2025”;  Chính sách hỗ trợ nông dân có cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017; Chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sở chế bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm;…theo Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Nghệ An.
Ngoài chính sách của tỉnh các huyện, thành, thị, các xã, HTX,...cần chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương.
6. Về phòng trừ một số dịch hại chính:
Cây trồng vụ Đông rất đa dạng và gieo trồng trong điều kiện thời tiết mưa, nắng, âm u, hanh khô xem kẽ vì vậy cũng có rất nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Vì vậy cần phải theo dõi kiểm tra tình hình trên ruộng thường xuyên để có biện pháp quản lý phù hợp. Trong đó đáng chú ý một số đối tượng gây hại phạm vi lớn như: Sâu keo mùa thu gây hại trên Ngô, Chuột, Ruồi vàng hại quả,…
+ Đối với Sâu keo mùa thu: Để hạn chế sâu thời gian gần đây ở Nghệ An đã đưa vào gieo trồng giống Ngô chuyển gen (DK6919S; NK7328Bt/GT,…) rất có hiệu quả, Đối với ruộng ngô không dùng giống chuyển gen thì phải kiểm tra sớm sau gieo trỉa khi có sâu thì phải phun ngay bằng một trong các thuốc Clever 150SC; Obaone 95WG; Match 050EC; Radiant 60SC; Angun 5WDG; Map Winner 5Wg; Indocar 150Ec,…phun ướt đậm vào nõn ngô.
+ Đối với Chuột:  Phát động đợt cao điểm toàn dân ra quân bắt, diệt chuột trước khi bước vào sản xuất vụ Đông bằng các hình thức như: Đào hang, hun khói, đổ nước vào hang để bắt chuột; Sử dụng các loại bẫy bán nguyệt, bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy dính,bắt chuột;
  Tổ chức đặt bả thuốc diệt chuột bằng các loại sinh học, ít độc cho người, vật nuôi và môi trường như: Hoạt chất Brodifacoum (Diof 0.006AB “bả ướt”,…), Bromadiolone (Broma 0.005AB “bả khô”, Cat 0,25 WP,…), Coumatetralyl (Racumim 0,0375 PA, 0,75 TP,…) Warfarin (Rat K 2%D,…), Flocoumafen (Storm 0.005%block bait “dạng viên kẹo”,…),. Có thể dùng mồi bằng lúa ngâm mảy mầm, tôm, cua,…trộn theo khuyến cáo, có loại đã được làm sẵn thành viên kẹo, bả khô - ướt,…đặt ở nơi chuột hay qua lại tìm thức ăn, trước cửa hang vào chiều tối, khi đặt nếu gặp mưa to phải đặt lại vì mưa đã làm giảmmất tác dụng.
+ Đối với ruồi vàng đục quả: Vụ Đông trồng rất nhiều loại rau quả như: Bí xanh, mướp, dưa chuột, mướp đắng, cà, cà chua,…nếu không được phòng trừ ruồi đục quả tốt thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, mẫu mã,…vì thế cần quan tâm để phòng trừ bằng các hình thức như: Dùng bao bọc quả, Dùng tấm dính ruồi, Dùng thuốc đặt bẫy dẫn dụ ruồi “Vizubon- D”, Dùng Bẫy rồi đục trái RĐT – 09, Dùng Chế phẩm trị ruồi vàng sinh học Fily, Dùng hỗn hợp bả protein: Ento-Pro 150DD,…(theo hướng dẫn nhà sản xuất). Thời gian thực hiện khi quả bắt đầu lớn cho đến khi thu hoạch, càng nhiều gia đình làm thì càng hiệu quả,..
+ Ngoài ra cần chú ý các đối tượng khác như: Sâu xanh da láng, Sâu khoang, Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc, bệnh thán thư, phấn trắng, Sương mai,…
                                                         
                                                   Nghệ An, Tháng 8 năm 2022
                     Nguyễn Đình Hương – Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An









 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Hương - Chi cục TT&BVTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây