Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đô Lương: Địa chỉ tin cậy của nhà nông

Thứ tư - 23/06/2021 04:08 1.513 0
Hoạt động trên địa bàn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, cơ cấu giống cây trồng không đồng bộ làm phát sinh nguy cơ gây hại của sâu bệnh trên cây trồng, bằng tinh thần vượt khó, nỗ lực làm tốt vai trò phát hiện, dự báo và tham mưu, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Đô Lương là địa chỉ tin cậy trong việc đồng hành cùng nhà nông mang đến những mùa vụ thắng lợi.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đô Lương: Địa chỉ tin cậy của nhà nông

Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương có tiền thân là Trạm BVTV đứng chân trên địa bàn xã Văn Sơn (thành lập năm 1993) với mục tiêu đồng hành phát triển nông nghiệp khu vực Khu 4 cũ. Quá trình tách, nhập, tháng 3/2016, Trạm BVTV Đô Lương được tỉnh có quyết định đổi tên thành Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương. Những năm đầu khó khăn, trạm đóng vai trò như công ty dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp gồm BVTV và giống cây trồng. Sau đó, do yêu cầu của sự phát triển, trạm được sát nhập với Chi cục BVTV tỉnh.

Hiện Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương có 7 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 trưởng trạm, 1 phó trạm còn lại 5 nhân viên. Với chức năng chính là điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, tham mưu UBND huyện xây dựng đề án sản xuất sát thực, Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương nhiều năm liền được đánh giá tốt với hệ thống các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh kịp thời, mang lại hiệu quả trong nông nghiệp. 

Đặc thù đất đai là vùng bán sơn địa, rộng lớn, ruộng bậc thang không chủ động nước, ngoại trừ các địa phương có điều kiện canh tác thuận lợi như Văn Sơn, Yên Sơn, Hòa Sơn và thị trấn, việc sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn Đô Lương dựa trên nhiều vùng sinh thái khác nhau nên cơ cấu giống cây trồng đa dạng, không đồng bộ. Trình độ hiểu biết về công tác BVTV của người dân và nhiều địa phương còn  hạn chế, dẫn đến việc triển khai chậm các thông báo. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ BVTV ít, 1 người phụ trách 6 - 7 xã nên khi có dịch bệnh phá hoại cây trồng triển khai không kịp thời. Cùng với đó, kinh phí BVTV thấp (2,1 triệu đồng/tháng nguồn từ chi cục), hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn chưa đồng bộ… là những hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của trạm.

Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương tổ chức hội thảo mô hình lúa ICM tại Hòa Sơn (Đô Lương). Ảnh: Lương Mai

Toàn huyện Đô Lương hiện canh tác mỗi năm trên 1.400 ha lúa, 1.500 ha lạc, 700 ha rau màu và 15.000 ha rừng thông, keo. Bà Nguyễn Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Đô Lương, cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn, quy mô sản xuất lớn đòi hỏi yêu cầu về công tác BVTV ngày càng phức tạp, tuy nhiên được sự quan tâm của các cấp ngành, trạm thường xuyên phối kết hợp chặt chẽ với các phòng, ban cấp huyện. Trạm phân công thâm canh cán bộ phụ trách từng xã, từng vùng phù hợp để nắm bắt chính xác cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, năm 2016 trạm đã phối hợp cùng phòng Nông nghiệp tham gia xây dựng đề án sản xuất các vụ. Theo dõi hội thảo 12 loại giống lúa mới, 5 loại giống ngô đưa vào sản xuất trên địa bàn, để từ đó lựa chọn giống có năng suất cao chất lượng tốt đưa vào sản xuất chủ lực trong các vụ tiếp theo khi được các cấp thẩm quyền công nhận. Nhờ vậy, trạm đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Công tác điều tra phát hiện dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên các loại cây trồng được đầu tư chú trọng. Trong cả 3 vụ sản xuất đông xuân, hè thu - mùa và cây vụ đông, trạm gửi về Chi cục BVTV 52 thông báo định kỳ, 7 thông báo về tình hình sâu bệnh hại, đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt năm 2016, trạm điều tra và chủ động phòng trừ sâu cuốn lá xuất hiện và gây hại trên trà lúa sớm và chính vụ với tổng diện tích nhiễm trên 1.500 ha (năm 2015 là 0 ha), khoanh vùng phòng trừ kịp thời nên sự phát sinh gây hại của đạo ôn lá được khống chế ở diện hẹp là 0,2 ha, (Năm 2015 là 328 ha). Nhờ chỉ đạo quyết liệt nên dịch hại được khống chế trong thời gian ngắn, bảo vệ vụ sản xuất an toàn.

Công tác liên kết phục vụ nông nghiệp bằng hình thức chuyển giao KHKT về phòng trừ sâu bệnh đến tận các thôn, xóm của các xã được trạm cụ thể hóa rõ nét. Trong năm 2016, trạm đã triển khai 80 lớp với 19.700 người được tham gia. Huấn luyện 3 lớp ICM tại xóm Đông Xuân (xã Hoà Sơn), xóm Điện Biên (xã Lưu Sơn), xóm 2 (xã Thuận Sơn) với 90 học viên. Kết quả 100% học viên nắm được 3 giảm (giảm giống, giảm lượng đạm dư thừa, giảm thuốc BVTV), 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Hàng trăm mô hình kinh tế có hiệu quả được triển khai quy mô nông hộ trên thực tế đã làm thay đổi tư duy và trình độ thâm canh cây trồng của bà con.

Nông dân xã Đông Sơn (Đô Lương) khơi thông thủy lợi chăm sóc lúa hè thu mùa. Ảnh: Lương Mai

Trong năm 2016, trạm đã phối kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Kiểm dịch thực vật - Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiến hành kiểm tra thủ tục giấy tờ các giống nhập nội trên địa bàn huyện Đô Lương 4 đợt, kiểm tra các đối tượng sâu bệnh lạ xuất hiện trên các loại cây trồng mới nhập vào. Ngoài ra, trạm liên kết với Chi cục Trồng trọt và BVTV mở các lớp huấn luyện chương trình phòng bệnh bệnh lem lép hạt hại lúa 2 lớp tại xã Đông Sơn và Văn Sơn. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch thực vật nội địa trên 60 doanh nghiệp, chỉ đạo chuyên môn thường xuyên thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các lô hàng nhập nội, với 5 đợt kiểm tra có báo cáo đầy đủ về chi cục và UBND huyện. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song những kết quả mà Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đô Lương đạt được đã góp phần tăng năng suất cây trồng, thúc đấy phát triển kinh tế huyện nhà. Nhiều năm liền, trạm được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, UBND huyện khen thưởng. Thời gian tới, để phát huy các kết quả đạt được, trạm phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác dự tính dự báo, điều tra dịch hại trên cây trồng kịp thời, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ICM, SRI, chuyển giao khoa học kỹ thuật xuống cơ sở 50 lớp với hơn 4.000 số lượt người tham gia, phối hợp kiểm tra công tác kinh doanh thuốc BVTV trên 33 xã thị, có số liệu gửi về chi cục.

Phấn đấu năm 2017, công tác chuyên môn trạm đạt danh hiệu đơn vị lao động xuất sắc các cấp, 100% cá nhân đạt lao động tiên tiến, trong đó 15% cá nhân đạt lao động xuất sắc; Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, công đoàn đạt vững mạnh xuất sắc, chuyên môn đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lương Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây