Hiệu quả vượt trội từ mô hình quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) trên cây lúa tại Nghệ An

Thứ năm - 09/05/2024 23:30 118 0
Việc áp dụng canh tác lúa theo IPHM đã chứng minh được hiệu quả vượt trội so với đối chứng sản xuất lúa theo tập quán. IPHM sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hâu hiện nay
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng cục Bảo vệ thực vật phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng cục Bảo vệ thực vật phát biểu chỉ đạo hội nghị
Quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM) với nền tảng là chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong đó IPM nhấn mạnh việc kiểm soát dịch hại trong khi IPHM ngoài kiểm soát dịch hiại còn hướng đến nâng cao sức khỏe đất qua đó nâng cao sức khỏe cây trồng.
Các biện pháp tác động của IPMH dựa trên nền tảng môi trường cụ thể về đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm tác động bất lợi, phát huy yếu tố nội tại của cây trồng ngăn chặn sinh vật gây hại bùng phát, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Do đó cách tiếp cận của IPHM được đánh giá  là phù hợp với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học.
Vụ Xuân 2024, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV, UBND huyện Yên Thành đã tổ chức lựa chọn và xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên cây lúa với quy mô 10 ha cho 77 hộ nông dân tại xóm Đông Sơn xã Hậu Thành, huyện Yên Thành. Mô hình được áp dụng trên 02 giống chủ lực trong sản xuất lúa tại địa bàn là Thái Xuyên 111 và VT868. 
anh tham mo hinh
Các đại biểu thăm quan mô hình cánh đồng áp dụng IPHM

Ngày 8/5/2024 Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyên Yên Thành tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình với một số kết quả nổi bật đạt được gồm:
- Về huấn luyện nông dân: Thông qua 07 ngày tập huấn được chia theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng, diến biến sinh vật gây hại và các yếu tố liên quan khác đã giúp nông dân nắm chắc các nguyên tắc, các biện pháp kỹ thuật tác động phù hợp với tường giai đoạn nhằm tạo điều kiện cho cây lúa phát triển khỏe, chông chị sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh. Nông dân nhận biết các được các sinh vật gây hại, sinh vật có ích và lựa chọn được biện pháp phòng trừ phù hợp trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng.
tang hoa
Ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng tăng hoa đội văn nghệ học viên IPHM

- Về sinh trưởng phát triển của lúa: Trên ruộng mô hình tỷ lệ dảnh hữu hiệu đạt 63,12% cao hơn 9,88% so với đối chứng canh tác theo tập quán của nông dân. Số bông trên khóm đạt 7,12 bông tăng 0,54% so với đối chứng. Tỉ lệ hạt lép thấp hơn đối chứng 3,9% và năng suất thực thu tăng 1,81 tạ/ha.
Về sinh vật gây hại: Mật độ, tỷ lệ, mức độ gây hại của các sâu, bệnh hại chính trên mô hình như: Cỏ dại, ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh lem lép hạt, bệnh khô văn,...  đều thấp hơn hoặc ngang bằng so với đối chứng.
- Về sử dụng  giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Việc áp dụng IPHM đã giảm 8kg giống, 20 ky Ure, 02 lần phun thuốc BVTV qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo vệ mội trường, bảo vệ sức khỏe. Trên mô hình bao bì phân bón thuốc bảo vệ thực vật được thu gom vào bể chứa để xử lý theo đúng quy định. Không còn hiện tương vứt bỏ bao bì ngay trên ruộng hay xuống mương máng lấy nước.
- Về hiệu quả kinh tế: Áp dụng IPHM giúp nông dân tăng hiệu quả kinh tế 2.060.000đ/ha so với sản xuất theo tập quán.
Từ kết quả trên chúng ta nhận thấy, việc áp dụng canh tác lúa theo IPHM đã chứng minh được hiệu quả vượt trội so với đối chứng sản xuất  lúa theo tập quán. IPHM sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hâu hiện nay./.
 

Tác giả bài viết: Ths. Trịnh Thạch Lam - Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây