Giáp xác chân đều đe dọa rừng bần chua trồng mới tại Nghệ An

Thứ sáu - 16/09/2022 03:13 805 0
Hơn 17 ha cây bần chua trồng mới gần một năm tuổi ở xã Nghi Thái, Nghi Xuân, Phúc Thọ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang dần biến mất do sự gây hại của một loại giáp xác chân đều.
Rừng bần chua trồng mới bị giáp xác chân đều gây hại tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An 1
Rừng bần chua trồng mới bị giáp xác chân đều gây hại tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An 1
Cây bần chua có tên khoa học (Sonneratia caseolaris), là một loài cây thân gỗ, ưa sáng, chịu được nước mặn ở những vùng đất bùn nhão ở các cửa sông, cửa biển nên được xem là loài cây tiên phong để phát triển rừng ngập mặn ven biển và các bãi bồi ven sông. 
Tại Nghệ An, năm 2021 thực hiện dự án “ Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Nghệ An” (FMCR) đã triển khai trồng mới 17,36 ha rừng ngập mặn bằng cây bần chua tại các xã Nghi Thái, Nghi Xuân, Phúc Thọ- huyện Nghi Lộc. Với kỳ vọng tạo ra dải rừng ngập mặn bảo vệ đê ven sông Lam và cải tạo môi trường khu vực, giảm nhẹ tác động bất lợi của thiên tai, chống biến đổi khí hậu.
Sau gần một năm, trên 17 ha cây bần trồng các địa phương nói trên đều đã thích nghi và sinh trưởng phát triển tốt, cây bần đạt chiều cao trung bình 0,8 – 1 m, đường kính thân trung bình đạt 3cm. 
Tuy nhiên đến tháng 7 năm 2022, các diện tích rừng bần có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém và chết dần. Tính đến giữa tháng 8/2022 tỷ lệ cây bần bị chết tại các địa phương tương ứng Nghi Thái 90%, Phúc Thọ 60%, Nghi Xuân 50%. 
Trước tình hình đó Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm Lâm, Ban quản lý dự án FMCR phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp thành lập đoàn công tác để kiểm tra, xác định nguyên nhân gây chết héo cây bần chua tại ba xã Nghi Xuân, Nghi Thái, Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An
Qua kiểm tra thực tế tại các vùng trồng, cây bần bị chết có triệu chứng xuất hiện nhiều vết đục trên thân, vị trí cao nhất của vết đục cách mặt đất 10-11cm, vị trí thấp nhất ngay sát bề mặt đất, vị trí bị nhiều vết đục nhất cách mặt đất từ 4-5cm. Các vết đục tròn đều, có đường kính 4-5mm, xuyên vào trong thân, khi bẻ đôi thân tại các vết đục bên trong có nhiều đường đục và có rất nhiều giáp xác trú ngụ.
trieu chung ben trong than cay bi giap xac chan deu gay hai
Triệu chứng bên trong thân cây bần chua bị giáp xác chân đều gây hại
 
trieu chung ben ngoai than cay bi giap xac chan deu gay hai
Triệu chứng bên ngoài cây bần chua bị giáp xác chân đều gây hại
Bước đầu đoàn công tác xác định nguyên nhân gây chết trên cây bần chua tại Huyện Nghi Lộc- Nghệ An là do một loại giáp xác chân đều gây ra; đồng thời đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận sự gây hại của loại giáp xác chân đều trên cây bần chua tại Nghệ An. 
Qua quan sát thì loại giáp xác gây hại có đặc điểm chính như sau: Cơ thể hình elip, lồi, trưởng thành dài từ 10-11mm x 5 – 5,5mm. Đầu hình bán nguyệt, hai mắt to, nổi rõ. Mặt lưng có vỏ cứng, màu xám hoặc nâu xám, chia làm nhiều đốt. Trên lưng có hai dọc vân vàng nhạt chạy dọc thân, một nửa cơ thể phía sau tính từ phần lưng đến phần đuôi phủ một lớp lông tơ mịn, có nhiều gai trên lưng và đuôi. Phần bụng màu vàng, có 6 cặp chân. Con non có màu vàng nhạt, bơi giỏi, có thể bò bằng chân khá nhanh, khi có động chúng cuộn tròn lại, có thể rơi xuống đất, 10-15 phút sau lại hoạt động lại.
anh loai giap xac chan deu gay hai tren cay ban chua tai huyen nghi loc nghe an 1
Ảnh chụp qua kính lúp soi nổi loại giáp xác chân đều gây hại trên cây bần chua tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An
Hiện tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa xác định được chính xác tên loài cũng như phương án phòng trừ phù hợp. Vì vậy, để hạn chế tác hại và sự lây lan gây hại của loại giáp xác chân đều, bảo vệ diện tích rừng bần, bước đầu đoàn công tác đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn địa phương chặt, thu gom các cây bị chết đưa lên bờ tiêu hủy nhằm giảm mật độ giáp xác, hạn chế lây lan sang diện tích rừng xung quanh. Thuê chuyên gia trong lĩnh vực sâu, bệnh hại rừng ngập mặn để kiểm tra, giám định loài và đề xuất phương án phòng trừ hiệu quả phục vụ cho công tác trồng và bảo vệ rừng bần trước sự gây hại nghiêm trọng của loại giáp xác chân đều trên./.


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây