Để canh tác lúa bền vững theo hướng tuần hoàn trong nông nghiệp

Thứ tư - 14/09/2022 22:26 3.445 0
Hình ảnh lúa mùa áp dụng bón phân 01 lót + 01 thúc
Hình ảnh lúa mùa áp dụng bón phân 01 lót + 01 thúc
ĐỂ CANH TÁC LÚA BỀN VỮNG
THEO HƯỚNG TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP.

           Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín. Khi áp dụng quy trình này chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng: Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu phát thải Cacbon và chất thải gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm cân bằng sinh thái và sức khỏe con người.
Tuy nhiên hoạt động sản xuất lúa gạo cũng có nhiều thách thức. Những giống lúa mới đưa vào canh tác hiện nay cơ bản đồng nhất gen di truyền làm cây lúa dễ bị sâu bệnh hại hơn. Sản xuất lúa ở Nghệ An chủ yếu vẫn ở dạng quy mô nhỏ, những cánh đồng đầy nước quanh năm được bón lượng lớn phân hóa học góp phần làm tăng phát thải khí thải nhà kính. Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng do việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, từ và đặc bệt là việc lạm dụng dụng thuốc trừ cỏ. Đồng thời trong những năm gần đây, do đời sống kinh tế khá hơn nên những chất thải nông nghiệp ít được sử dụng lại, mà nông dân vứt bỏ, đổ thải bừa bãi hoặc đốt ngay trên đồng ruộng. Như vậy, việc không tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã gây lãng phí một nguồn hữu cơ lớn, mất mỹ quan, mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.
Trong xu hướng đô thị hóa, lực lượng lao động ở nông thôn đang chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nông dân ở nhiều nơi đã xuất hiện suy nghĩ thiếu quan tâm mặn mà với cây lúa, và một số vùng đã có tình trạng nông dân bỏ ruộng, đặc biệt trong sản xuất lúa Hè thu ở Nghệ An.
          Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu đưa ra những tiến bộ kỹ thuật để thâm canh lúa như: Lai tạo chọn giống mới, làm đất, luân canh, tưới nước, phân bón, và các dự án nhằm cải tiến sản xuất lúa theo hướng an toàn bền vững, chống ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chuỗi giá trị thu nhập cho người trồng lúa. Cũng đã có nhiều giải pháp được phổ biến như: “1 phải, 5 giảm”,“3 giảm, 3 tăng”,“bón phân theo nguyên tắc 4 đúng” hay “bón phân dúi sâu”, các giải pháp này khi thử nghiệm rất thành công, nhưng khi triển khai lại thiếu sản phẩm cụ thể, điều kiện, phương pháp sử dụng, nên khó khả thi cho sản xuất đại trà. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào mang tính tổng thể, hợp lý và hiệu quả nhằm khắc phục những tồn tại khó khăn nêu trên và vấn đề này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những ai quan tâm đến nghề trồng lúa.          
          Xuất phát từ thực tế đó, việc đề xuất triển khai thực nghiệm nhóm giải pháp kỹ thuật cho canh tác lúa nước bền vững, nâng cao hiệu quả trồng lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trong sản xuất lúa ở Nghệ An là cần thiết.

Hình ảnh lúa mùa áp dụng bón phân 01 lót + 01 thúc
1. Giải pháp thâm canh mạ:   
Tổng kết kinh nghiệm từ nhiều thế hệ trong canh tác lúa nước, nông dân ta đã đúc kết “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”, kinh nghiệm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng có một câu nói khác: “Mạ bẩy, Lúa ba”, tức là đầu tư cho giai đoạn mạ sẽ quyết định 70% hiệu quả, còn đầu tư cho giai đoạn lúa chỉ quyết định 30% hiệu quả. Trong hệ thống các giải pháp thâm canh lúa, thì giải pháp thâm canh mạ giữ vai trò đặc biệt quan trọng và tiết kiệm tốt chi phí nhất. Làm tốt khâu thâm canh mạ, theo quan điểm: “chăm sóc sức khỏe ban đầu” tức là tạo ra một cơ thể trẻ, khỏe cho cây lúa; đó là cơ sở và tiền đề để áp dụng các biện pháp thâm canh ở các giai đoạn tiếp theo.
- Sử dụng chế phẩm xử lý hạt giống, chế phẩm xử lý hạt giống có các nhiệm vụ sau đây:
+ Diệt sạch mầm bệnh trên bề ngoài hạt giống;
+ Phá ngủ sinh lý (đối với hạt giống chuyển vụ);
+ Kích hạt giống nảy mầm nhanh, mạnh và đồng đều;
+ Cung cấp thêm dinh dưỡng ngoài những chất dự trữ trong hạt giống để cây mạ có thể phát triển khỏe mạnh ngay từ ban đầu.
- Sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ, đẻ nhánh, nhiệm vụ của chế phẩm kích thích đẻ nhánh:
+ Kích thích phát triển bộ rễ mạ;
+ Hạn chế chiều cao cây mạ, tăng phát triển chiều ngang;
+Tăng khả năng chống chịu cho cây mạ trước những điều kiện bất thuận của ngoại cảnh;
+ Giúp mạ cứng cây, đanh dảnh, dễ hồi xanh sau cấy (nếu là mạ dược);
+ Giúp cây mạ đẻ sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung;
2. Sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho mạ
Chế phẩm vi sinh vật này gồm các vi sinh vật có lợi giúp cây mạ quang hợp mạnh, cải thiện sức sống, tăng cường tính chống chịu của cây lúa, ngoài ra còn có vi sinh vật giúp cố định đạm, phân giải lân và phân giải hữu cơ trong đất giúp cây trồng hấp thu tốt, cải tạo đất, hạn chế sử dụng phân hóa học. Việc đưa chế phẩm vi sinh vào trong giai đoạn mạ là hợp lý nhất vì chi phí thấp, hiệu quả cao và cách làm đơn giản.
3. Giải pháp bón phân cho lúa
Để cây lúa phát triển cân đối khỏe mạnh, cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố ngoại cảnh cần thiết (ánh sáng, nhiệt độ, không khí, nước và dinh dưỡng). Vì vậy, cần có chế độ canh tác hợp lý để chủ động cung cấp đủ dinh dưỡng khoáng cho cây suốt chu kỳ sinh trưởng. Theo kỹ thuật bón hiện nay gồm 01 lần bón lót (phân lân và phân hữu cơ) và 03 lần bón thúc (đạm và kali). Các lần bón thúc, lượng phân N,P,K chỉ nằm phía trên bề mặt tầng canh tác vì sau cấy xong từ 5-7 ngày, tầng canh tác sẽ đông kết nén chặt. Thời kỳ này, bộ rễ lúa mới cấy ở độ sâu 4-5 cm nên khó tiếp cận nguồn dinh dưỡng. Nồng độ phân khoáng trong nước mặt rất cao có thể gây ngộ độc cho phần thân cây lúa non và khi gặp rét đột ngột cây bị ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển thậm chí sẽ bị chết nhanh. Lượng phân trên bề mặt cũng là điều kiện cho cỏ dại phát triển mạnh. Ngoài ra, lượng dinh đưỡng thất thoát do phân bị hòa tan trong nước, rửa trôi và bay hơi rất lớn.
Cách dùng phân bón và bón phân như trên cây lúa sẽ bị mất cân đối dinh dưỡng, thời kỹ đầu rất thiếu và ngược lại thời kỳ cuối lại rất thừa. Cây lúa rất dễ nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm như: Đạo ôn, đốm nâu, rầy nâu... và đổ ngã do thừa đạm thời kỳ cuối. Do vậy, dù tốn nhiều chi phí phân bón, công lao động, thuốc trừ sâu bệnh nhưng năng suất, chất lượng lúa gạo không tăng và môi trường sinh thái bị ô nhiễm. Trước thực trạng đó, cải tiến đổi mới lại kỹ thuật trồng lúa mà cụ thể là cải tiến phân bón và thay đổi cách bón phân cho lúa là rất cần thiết.
     Giải pháp cải tiến phân bón và cách bón phân cho lúa; bằng cách tạo ra tại chỗ loại phân bón chuyên dùng cho lúa đúng thành phần dinh dưỡng, đúng tỷ lệ N,P,K và trung lượng, vi lượng cân đối với phân hữu cơ, đúng liều lượng cây cần mà đất thiếu; và bón lót phân 100% cho lúa nhằm đảm bảo đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho cây lúa cân đối, đầy đủ và kịp thời suốt thời gian sinh trưởng. Giải pháp kỹ thuật này cũng rất phù hợp với câu tục ngữ “lót một hơn thúc mười”. Phân bón phải kết hợp được tính tác dụng nhanh và hàm lượng dinh dưỡng cao của phân hóa học với khả năng cải tạo đất, giữ gìn độ phì nhiêu cho đất của phân hữu cơ và phân vi sinh, đồng thời bổ sung đầy đủ các nguyên tố N,P,K, trung lượng và vi lượng cùng các hoạt chất tăng cường khả năng hấp phụ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây. Ngoài ra phân bón còn phải được điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp với nhu cầu của từng loại giống lúa trên mỗi vùng đất canh tác khác nhau. Sử dụng phân sinh hóa hữu cơ chuyên dùng cho lúa, cùng một lúc chúng ta đưa vào đất canh tác ba loại phân: phân hữu cơ, phân hóa học, phân vi sinh; ngoài ra nó còn được bổ sung các yếu tố và hoạt chất mà cây cần và đất thiếu, nó được điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp từng loại giống lúa trên mỗi vùng đất canh tác khác nhau.
Hiệu quả mang lại do sử dụng phân sinh hóa hữu cơ là rất lớn, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi loại phân này để tái tạo lại độ phì nhiêu của những vùng đất bạc màu do khai thác không hợp lý, để cải tạo những vùng đất hoang hóa thành đất canh tác và để tăng năng suất và chất lượng nông sản trong điều kiện thâm canh cao. Quan trọng hơn cả: Phân sinh hóa hữu cơ giải quyết được vấn đề tiết kiệm chi phí, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và sự phát triển của một nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Tuy nhiên việc tạo ra phân sinh hóa hữu cơ theo hướng phân chuyên dùng cho vùng chuyên canh lúa đòi hỏi phải có phương pháp, nguyên liệu và điều kiện thích hợp.
Bón tất cả các loại phân đã phối trộn ngay trước khi cầy bừa lần cuối, phân bón được trộn đều trong toàn bộ tầng đất canh tác và bộ rễ lúa sẽ có điều kiện hút các chất dinh dưỡng trong phạm vi 1000 - 1500 m3/ha (nếu làm đất sâu 10-15 cm). Phân bón được các keo đất hấp phụ nên không bị mất do khoáng hóa bốc hơi hay bị rửa trôi, bộ rễ lúa cũng không bị ngộ độc do nồng độ phân khoáng rất thấp do đã tan đều trong tầng canh tác.  Cách bón này cho phép tiết kiệm được lượng phân vô cơ so với kỹ thuật bón thúc 03 lần như hiện nay.
Ruộng lúa được bón phân đầy đủ, cân đối và được trộn đều vào tầng canh tác giúp cho rễ hoạt động thuận lợi không bị nghẹt rễ vàng lá, cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt nhất để có thể đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh sẽ hạn chế các loại sâu bệnh và hạn chế ít dùng các loại thuốc BVTV. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo nâng cao chất lượng gạo và chống ô nhiễm môi trường (nước ruộng không bị ô nhiễn và giảm phát thải các loại khí nhà kính nguy hiểm như NH3, N2O).
Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học cũng phải được tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để, biến rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng để rải lại trên cánh đồng, cày vùi vào đất hoặc sử dụng làm chất che phủ cho nhiều loại cây trồng. Phương pháp này vừa giảm lượng khí cacbon thải ra môi trường, vừa có thể tận dụng rơm rạ làm phân hữu cơ để mang lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí cho người trồng lúa. Tiêu chí chọn chế phẩm vi sinh: Các chủng giống vi sinh vật được phân loại độ an toàn sinh học cấp độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization, 2004); Các chủng vi sinh vật có thể hoạt lực enzym cao trong phân cắt cấu trúc xenluloza, hemixenluloza, lignin); Chủng vi sinh vật được lựa chọn có khả năng thích nghi cao với điều kiện bất lợi của môi trường và tính cạnh tranh cao đối với các chủng vi sinh vật tạp nhiễm từ môi trường.
Trên thực tế sử dụng 02 chế phẩm sinh học phù hợp với xử lý rơm rạ và các loại phế thải hữu cơ khác: Chế phẩm vi sinh BIOADB, chế phẩm vi sinh BIOEM của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất chế phẩm sinh học BIOPHAR cung ứng. Rơm rạ sau thu hoạch, nhất là vụ xuân rất cần thời gian phân hủy nhanh để kịp sản xuất vụ mùa, dùng chế phẩm BIO ADB và/hoặc BIO EM chỉ 5 đến 7 ngày là rơm rạ mềm nhũn, quện vào trong đất, đây là sản phẩm chùm vi sinh hữu ích nó có tác dụng phân hủy chất hữu cơ, xenluno và đặc biệt là sinh chất kháng sinh để ức chế mầm bệnh, và có các chủng vi sinh để kích thích sinh trưởng, cố định đạm và biến lân khó tiêu thành lân dễ tiêu.
Các giải pháp trên không mâu thuẫn với các khâu khác như: Giống mới, cơ giới hóa, quản lý nước, thời vụ,.... Vì vậy, có thể áp dụng giải pháp cho các vùng canh tác lúa của Nghệ An và trước mắt nên triển khai ở quy mô phù hợp, sau đó ưu tiên triển khai cho các vùng chuyên canh lúa, các cánh đồng lúa lớn rồi sau đó triển khai ra đại trà.
                                                                                                           
                                                                                                                                      TH
 

Tác giả bài viết: Thảo dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây