Chủ động trong phòng trừ sâu, bệnh hại lúa giai đoạn cuối vụ

Thứ ba - 09/04/2024 05:19 474 0
Dự báo thời gian tới là thời điểm chuyển mùa nên tình hình thời tiết sẽ diễn biến khó lường, thời gian lúa trỗ kéo dài do đó trong thời gian trỗ đến ngậm sữa có thể gặp các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, mưa rào kèm theo giông lốc, ẩm độ cao,... là những điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, nhện gié, bạc lá vi khuẩn, bệnh khô vằn,... phát sinh gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt trên những vùng, những giống lúa hàng năm thường bị các loại bệnh trên gây hại nặng.
Triệu chứng gây hại của bệnh đạo ôn gây hại trên cổ bông
Triệu chứng gây hại của bệnh đạo ôn gây hại trên cổ bông
Vụ xuân 2024, toàn tỉnh gieo cấy trên 91.075 ha, trong đó diện tích lúa cấy 53.026 ha (chiếm 58,2%), lúa gieo thẳng 38.049 ha (chiếm 41,8%). Hiện tại các trà lúa đang thời kỳ làm đòng đến trỗ. Kết quả theo dõi của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy: Tính đến 9/4/2024 đã có trên 6.000 ha lúa trỗ, dự kiến trong thời gian tiếp theo sẽ có 36.500 ha lúa trỗ từ 10 – 20/4, và trên 45 nghìn ha trỗ từ 20/4/2024 trở đi. 
co la 1
Triệu chứng bệnh đạo ôn trên tai lá đòng

Trong thời kỳ lúa đẻ nhánh đến làm đòng toàn tỉnh đã có trên 1.445,45 ha nhiễm đạo ôn lá, chủ yếu trên giống PM2, PL5, IR1820, Xi33, P6, AC5, TBR225, 3.662 ha nhiễm bệnh khô vằn, 100 ha nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,.... Dự báo thời gian tới là thời điểm chuyển mùa nên tình hình thời tiết sẽ diễn biến khó lường, thời gian lúa trỗ kéo dài do đó trong thời gian trỗ đến ngậm sữa có thể gặp các đợt không khí lạnh, trời âm u, có mưa, mưa rào kèm theo giông lốc, ẩm độ cao,... là những điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, nhện gié, bạc lá vi khuẩn, bệnh khô vằn,... phát sinh gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt trên những vùng, những giống lúa hàng năm thường bị các loại bệnh trên gây hại nặng.
anh ruong dao on 1
Ruộng lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng

Để chủ động phòng trừ giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra trên lúa vụ Xuân năm 2024. Các địa phương, các cơ quan chuyên môn và người sản xuất cần chú ý một số nội dung sau:
- Tập trung phân công cán bộ phụ trách chỉ đạo bám sát cơ sở, cùng với nông dân kiểm tra, giám sát đồng ruộng, phân vùng, phân trà xác định chính xác diện tích và thời gian trỗ của các vùng, các trà, các giống lúa. Dự báo những diện tích, giống có nguy cơ bị nhiễm sâu, bệnh hại cao cần thiết phải tổ chức chỉ đạo phòng trừ đối với các bệnh hại chính như: Đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, bạc lá vi khuẩn, khô vằn, nhện gié,....
- Các Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cần kịp thời tham mưu, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ cụ thể cho UBND các cấp, đồng thời phối hợp với các tổ chức liên quan trên địa bàn để tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, nông dân phòng trừ hiệu quả.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết trong thời kỳ lúa trỗ đến chắc xanh để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ cụ thể, phù hợp với thực tế tại địa phương.
- Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:
+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt: Cần theo dõi sát diễn biến thời tiết trong thời gian lúa bắt đầu trỗ đễn trỗ hoàn toàn, nếu thời gian này  gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển như: Ẩm độ cao, mưa, âm u, sương mù kéo dài,… nhất thiết phải tổ chức phun phòng bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất như: Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, Tricom 75WP, Newbem 750WP, Angate 75 WP, Newtec 300SC,... ); fenoxanil (Kasoto 200SC, Katana 20 SC, Ninja 35EC,...), Isoprothiolane (Fuji One 40WP, Bankan 600WP, Bimson 75WP,...).... đối với bệnh đạo ôn cổ bông; Difenoconazole + Propiconazole (Tilt super 300ND, Still Liver 300ME, Scooter 300EC,…); Propiconazole (Tiptop Gold 400 EC, Tilt 250 EC,…);  Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325 SC, Anthuoc Top 480SC,…); Tebuconazole +  Trifloxystrobin (Nativo 750WG, Conabin 750 WG,...),... đối với bệnh lem lép hạt. Phun khi lúa bắt đầu trỗ và phun lại lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển. 
Lưu ý: Cần tập trung cao trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn trên  lá, tai lá đòng và các vùng, giống hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng. Có thể kết hợp thuốc trừ bệnh đạo ôn và thuốc trừ bệnh lem lép hạt để phòng trừ cùng lúc hai loại bệnh trên. Đảm bảo thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV.
+ Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Áp dụng biện pháp canh như: Bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm,... là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Trường hợp những diện tích đã xuất hiện bệnh có thể sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP,...); Kasugamycin (Kasumin 2SL,…); Streptomycin sulfate (Ychatot 900 SP, Probencarb  250 WP, ...),…để hạn chế tác hại và sự lây lan của bệnh.
+ Đối với bệnh khô vằn: Trên những diện tích phát hiện có trên 10% số dảnh bị nhiễm bệnh cần giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Validamycin (Jinggangmeizu 5-10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP...); Pencycuron (Moren 25WP); Hexaconazole (Anvil 5SC,….);...  phun đều vào phần thân, gốc lúa./.
 

Tác giả bài viết: Ths. Trịnh Thạch Lam - Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây