Một số giải pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại và phòng chống hiện tượng suy thoái hóa trên cây cam

Thứ ba - 02/01/2024 05:45 674 0
Cam là cây trồng đòi hỏi khá cao về điều kiện đất đai, trình độ kỹ thuật canh tác, đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay tình hình sản xuất cam trên địa bàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Chất lượng cây giống, trình độ kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái sức khỏe đất sản xuất,... dẫn đến nhiều diện tích cam đang bị hư hỏng, suy thoái nhanh và phải chặt bỏ hàng loạt.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Yên Thành kiểm tra kết quả thực hiện mô hình phòng chống suy thoái trên cây cam tại huyện Yên Thành
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Yên Thành kiểm tra kết quả thực hiện mô hình phòng chống suy thoái trên cây cam tại huyện Yên Thành
Ở Nghệ An, cam là cây ăn quả có lịch sử phát triển khá lâu đời, trong quá trình phát triển đã hình thành nhiều vùng chuyên canh có chất lượng, gắn với địa danh như Xã Đoài, Bãi Phủ, Con Cuông,... chỉ dẫn địa lý “Cam Vinh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào ngày 31/5/2007  cho sản phẩm cam sản xuất tại 12 xã thuộc 5 huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và Tân Kỳ cho 3 giống cam Xã Đoài, Vân Du và Sông Con. Ở một số vùng sản xuất như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân kỳ, Con Cuông, Anh Sơn có một thời gian cây cam chiếm vị trí ”độc tôn” trong những cây trồng có thể giúp người trồng làm giàu và đổi đời nhanh chóng nên diện tích trồng cam tăng nhanh và đạt đỉnh vào năm 2018 với diện tích trên 6.150 ha.
Tuy nhiên cam là cây trồng đòi hỏi khá cao về điều kiện đất đai, trình độ kỹ thuật canh tác, đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay tình hình sản xuất cam trên địa bàn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Chất lượng cây giống, trình độ kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái sức khỏe đất sản xuất,... dẫn đến nhiều diện tích cam đang bị hư hỏng, suy thoái nhanh và phải chặt bỏ hàng loạt. Theo kết quả điều tra năm 2023 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích cam bị phá bỏ từ năm 2028 – 2023 là trên 4.500 ha và nhiều vùng chuyên canh trước đây cây cam đã hoàn toàn biến mất. Hiện tại toàn tỉnh chỉ còn lại trên 1.800 ha cam tro đó có khoảng trên 50% diện tích đang bị suy thoái ở các mức độ khác nhau, dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 ha cam.
Về nguyên nhân dẫn đến suy thoái nhanh trên các vùng sản xuất cam, các nghiên cứu, báo cáo gần đân của Sở khoa học và công nghệ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ ra một số nguyên nhân chính gồm:
 - Do chất lượng giống không đảm bảo
- Do kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu,bệnh hại, tưới tiêu nước không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
- Do sâu, bệnh phát sinh gây hại mạnh, đặc biệt là các bệnh như Greening, tuyến trùng và bệnh do tuyến trùng và các nấm trong đất như Phytopthora, Fusariu, Pythium,... gây ra.
- Sức khỏe đất suy giảm do trong quá trình đầu tư, chăm sóc sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ít được bổ sung mùn, hữu cơ, vi sinh vật có ích,...
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, trái với quy luật ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây cam.
z4709141474514 88f3440113d01b539d52beee1ded8cbe 1
Mô hình phòng chống hiện tượng suy thoái trên cây cam tại huyện Yên Thành

Từ những thực trạng và nguyên nhân trên, để có cây cam, vườn cam sinh trưởng phát triển khỏe, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi gây ra; đồng thời ngăn ngừa và phục hồi hiện tượng suy thoái sớm; bảo đảm sự chủ động trong sản xuất cam một cách an toàn, hiệu quả, và bền vững. Căn cứ các kết quả nghiên cứu, xây dựng và thực hiện mô hình trên địa bàn trong những năm qua, chúng tôi xin tổng hợp giới thiệu và hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, phòng chống hiện tượng suy thoái sớm trên cây cam tương ứng với từng thời kỳ sinh trưởng phát triển gồm:
1. Giai đoạn sau thu hoạch (từ cuối tháng 12 đến tháng 01 năm sau)
- Kiểm tra PH đất, tình trạng phát triển của bộ rễ, tình hình sâu, bệnh hại (rễ, thân, tán lá) để có biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời.
- Vệ sinh đồng ruộng: Làm cỏ quanh gốc, tỉa cành, tạo tán, loại bỏ cành trong tán, cành nhỏ, cành yếu, cành sâu bệnh, cành vượt, cành mọc đan xen nhau, cuống quả vụ trước. Thực hiện kỹ thuật cắt tỉa hạ tán đối với những cây có tán mọc vượt hoặc tán quá cao (trên 3,5m). Thu dọn tiêu hủy tàn dư trong vườn, làm rãnh thoát nước. Bón vôi (1- 2 kg/gốc) để đảm bảo PH đất trong khoảng 5,5 – 6,5, quét vôi gốc, cành cấp 1 để hạn chế sâu bệnh.
- Phun thuốc phòng trừ nấm bệnh, rêu mốc sau khi vệ sinh đồng ruộng bằng thuốc: Copper Oxychloride (Isacop 62.5 WG, ...),  Copper Hydroxide (Champion 77 WP, Kocide 46 WG,..), Propineb (Antracol 70WG,...), Mancozeb
- Phun phòng trừ rệp sáp, rệp muội nếu chúng xuất hiện gây hại nhiều bằng thuốc Spirotetramat (Movento 150 OD,...)
- Trường hợp kiểm tra phát hiện rễ bị thối do nấm bệnh gây hại sử dụng thuốc Dimethomorph (Insuran 50 WG, Acrobat 90/600 WP), Fosetyl alumilium (Aliette 800 WG,...)  để phun, tưới quanh tán theo nồng độ khuyến cáo.
+ Bón phân chuồng hoai (50 kg) hoặc phân hữu cơ khoáng 4 – 5 kg + 1–2 kg lân + Trichoderma (30-35g)/gốc + 0,5 – 1 kg NPK 16: 16: 16 (đào rãnh vành khăn hoặc 04 hướng theo mép tán rải phân và đảo đều rồi lấp rãnh).
- Bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, phục hồi và phát triển rễ bằng sản phẩm hữu cơ (có thể sử dụngRootwell 1 lít thuốc/1.000  - 1.200 lít nước/100 gốc hoặc sản phẩm tương tự).
2. Giai đoạn phân hóa mầm hoa, nảy chồi (cuối tháng 1 đến tháng 2)
- Bón phân NPK 16:16: 16 (0,5 – 0,7 kg/cây) tùy vào tình trạng phát triển của cây và năng suất thu hoạch năm trước (bón từ mép tán vào và tưới giữ ẩm sau khi bón).
- Tưới quanh tán bằng sản phẩm hữu cơ Rootwell (1 lít thuốc/1.000  - 1.200 lít nước/100 gốc) để kích thích rễ phát triển.
- Phun kích thích để cây ra lộc, hoa tập trung thuận lợi cho chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh về sau bằng sản phẩm Flower 94, boom flower,....
- Phòng trừ sâu vẽ bùa, rầy, bọ trĩ  khi lộc dài 1,5 – 2 cm bằng Spinetoram (Radiant 060 SC), Abamectin (Aremec 45 EC, Reasgant 3.6 EC, Catex 3.6 EC,...)
3. Giai đoạn ra hoa đậu quả, lộc xuân (tháng 02 đến tháng 3)
- Tưới bổ sung nấm cộng sinh Micorrhizae hoặc Trichoderma quanh gốc để bổ sung nấm cộng sinh, nấm đối kháng tăng cường phát triển rễ, tạo độ xốp cho đất.
- Cắt bỏ những cành yếu, cành sâu bệnh, cành mọc trong tán.
- Phòng trừ bệnh sương mai, thán thư hại hoa, quả non và bổ sung Bo bằng hỗn hợp: Thuốc Propinep (Antracol 70 WG, Flint pro 648 WG,...) + Hi Boron để tăng khả năng đậu quả, hạn chế rụng quả.
- Phòng trừ sâu vẽ bùa, rầy, bọ trĩ Spinetoram (Radiant 060 SC), Abamectin (Aremec 45 EC, Reasgant 3.6 EC, Catex 3.6 EC,...), dầu khoáng SK Spray.
- Phòng trừ nhện hại bằng dầu khoáng SK Spray hoặc  thuốc có hoạt chất Abamectin nếu cần thiết. 
4. Giai đoạn phát triển quả, lộc hè (tháng 4 - 6)
- Làm cỏ quanh gốc (máy đập 2/3 chiều cao cây cỏ), tưới nước duy trì độ ẩm khi khô hạn để tránh cây bị sốc nước khi gặp mưa lớn sau thời kỳ hạn hán kéo dài.
- Phòng trừ nấm gây rụng quả (nấm thán thư, phytopthora,...) bằng thuốc Fluopicolide (Profiler 711.1 WG),  Fosetyl alumilium (Aliette 800 WG,...).
- Phun trừ rầy, rệp muội, rệp sáp, nhện, bọ trĩ nếu cần thiết bằng thuốc Spirotetramat (Movento 150 OD), Clothianidin (Dantotsu 16SG,...), Abamectin (Aremec 45 EC, Catex 3.6 EC, Reasgant 3.6 EC).
- Bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng phân bón lá Senca-12 hoặc Triple Max.
- Bón phân nuôi quả: NPK16:16:16 (0,5- 0,7 kg/gốc) hoặc (0,3 – 0,5 kg urê + 0,2 -0,3 kg kali/gốc) + Trichoderma (30g/gốc). 
- Phòng trừ sâu vẽ bùa, nhện, sâu chích hút, câu cấu khi có mật độ cao bằng thuốc Abamectin (Aremec 45 EC, Catex 3.6 EC, Reasgant 3.6 EC) để bảo vệ lộc hè.
- Phòng trừ bệnh loét, sẹo (khi cần thiết) bằng thuốc Copper oxychloride (Isacop 62.5 WG), Mancozep 80WP,....
- Cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành vượt, tỉa bỏ quả nhỏ quả dị hình. Kiểm tra Ph đất, nếu đất chua bón bổ sung thêm vôi.
5. Giai đoạn phát triển quả, quả chuyển mã, lộc thu (tháng 7 -9)
- Bón phân nuôi quả và bổ sung nấm đối kháng: Trico DHTC (30g) + (0,2 – 0,3 kg urê + 0,3 – 0,5 Kg Kali)/gốc + Tưới quanh tán bằng sản phẩm hữu cơ như Rootwell (1 lít thuốc/1.000 lít nước/100 gốc) khi quả bắt đầu chuyển mã. 
- Bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng phân bón lá như Senca-12 hoặc Triple Max.
- Làm cỏ gốc (dùng máy đập 2/3 chiều cao cây cỏ), thăm vườn thường xuyên, cát tỉa cành, quả bị sâu bệnh, quả dị hình và theo dõi tình hình dịch hại. Tưới nước giữ ẩm cho vườn.
- Kiểm tra tình trạng phát triển của rễ, tưới bổ sung Insuran 50 WG hoặc phun Aliette 80 WP nếu phát hiện rễ, quả bị nấm bệnh gây hại hoặc để phòng bệnh hại rễ trong mùa mưa.
- Phòng trừ sâu vẽ bùa, nhện, sâu chích hút, câu cấu trên khi có mật độ cao bằng  thuốc có hoạt chất Abamectin để bảo vệ lộc thu.
- Phòng trừ bệnh loét, sẹo (khi cần thiết) bằng thuốc Copper oxychloride (Isacop 62.5 WG), Mancozep (Ridomil gold 68WG, Mancozep  80WP,....).
- Phun phòng chống rụng quả bằng thuốc Mancozep (Ridomil gold 68WG, Mancozep  80WP,...), Fluopicolide (Profiler 711.1WG, Infinito 687,5 SC,...), Fosetyl alumilium (Aliette 800WG
6. Giai đoạn quả chín, thu hoạch (tháng 10 – 12)
- Phun phòng chống rụng quả bằng thuốc Mancozep (Ridomil gold 68WG, Mancozep  80WP,...), Fluopicolide (Profiler 711.1WG, Infinito 687,5 SC,...), Fosetyl alumilium (Aliette 800WG)  khi gặp mưa nhiều.  
- Phòng trừ bướm chích hút quả khi xuất hiện bằng biện pháp thủ công, bẫy đèn cực tím (đối với khu vực cách xa dân cư),.... Phòng trừ ruồi đục quả bằng bẫy, bả Pheromore, băng phiến, lưu huỳnh sunfur, bẫy dính.
- Để đảm bảo quả chín tập trung thuận lợi cho thu hoạch có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng kali cao (Senca 31 +  30% Senca 12)  để phun.

Tác giả bài viết: Ths. Trịnh Thạch Lam - Phòng Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây