CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH NGHỆ AN
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH NGHỆ AN
Nghe An Crop Production and Plant Protection Sub Department
Rầy lưng trắng gây hại trên lúa mùa 2023 và bài học kinh nghiệm!
Thứ tư - 04/10/2023 04:264630
Rầy lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath) cũng giống như rầy nâu do đều thích hợp với điều kiện khí hậu ấm nóng, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ. Trong năm, rầy lưng trắng thường phát sinh 6-7 lứa, quan trọng nhất là lứa rầy vào tháng 4 (vụ Xuân) và cuối tháng 8 đầu tháng 9 (vụ Mùa).
Tuy nhiên, do đặc điểm của vụ Mùa năm 2023 thuận lợi nên rầy lưng trắng phát sinh và gây hại sớm ngay từ trung tuần tháng 7 và gây hại trên diện rộng trên một số trà lúa mùa vào các tháng 8, 9. Chính sự chủ quan khi Chi cục TT&BVTV thông báo kết quả từ đầu vụ kết quả test virus lùn sọc đen các mẫu đều âm tính, một số địa phương tổ chức chỉ đạo phòng trừ không đảm bảo nguyên tắc 4 đúng nên đã xẩy ra hiện tượng cháy rầy gây thiệt khại khá nặng trên một số trà lúa mùa. Ảnh test virus lùn sọc đen mẫu rầy lưng trắng tại Quế Phong
Trong thực tế, tùy điều kiện thời tiết từng vụ, từng năm nhưng vòng đời của rầy ngắn (từ 26 - 30 ngày) nên khả năng tăng mật độ rất nhanh. Rầy non có 5 tuổi, từ tuổi 1 đến tuổi 3 gọi là rầy cám, hết tuổi 5 lột xác sang trưởng thành, thời gian sống từ 12 - 14 ngày (mỗi tuổi 2-3 ngày). Trứng rầy có dạng ”quả chuối tiêu” gần giống trứng rầy nâu nhưng nhỏ, dài và nhọn hơn. Trứng được đẻ thành từng ổ theo chiều dọc, chìm trong bẹ hoặc gân chính của lá lúa, mỗi ổ từ 2-7 quả. Trứng mới đẻ trong suốt, sau chuyển màu vàng, sắp nở có hai điểm mắt đỏ. Rầy non mới nở có màu trắng đục, đến tuổi 3 xuất hiện các vệt vằn trên lưng. Rầy trưởng thành có màu đen nâu với một dải trắng trên mảnh lưng giữa. Cơ thể màu trắng kem, bụng màu đen. Con cái có hai dạng: cánh dài và cánh ngắn; con đực chỉ có một dạng hình cánh dài. Rầy cái trưởng thành có thể đẻ 150-350 trứng và đẻ liên tục trong 5- 6 ngày, rầy trưởng thành có tính hướng quang mạnh. Con trưởng thành và rầy non đều hút nhựa cây từ dảnh, lá lúa nhưng khác với rầy nâu chỉ tập trung gây gại ở gốc, thân, rầy lưng trắng xu thế chiều mát, đêm đến sáng chúng di chuyển lên lá lúa để hút nhựa nên cháy từ trên xuống. Hình ảnh rầy lưng trắng gây hại ngày 09/9/2023 trên lúa mùa ở Quế Phong
Rầy lưng trắng hại nặng trên các giống lúa nhiễm rầy, đặc biệt một số giống lúa lai. Tuy nhiên, nếu ruộng lúa thâm canh cao, bón nhiều đạm, cấy dày, rậm rạp là điều kiện cho rầy lưng trắng cũng như rầy nâu phát sinh, phát triển gây hại. Rầy lưng trắng phân bố rộng rãi trên khắp các vùng trồng lúa của Việt Nam và trên thế giới, nó có khả năng du nhập và di chuyển theo gió bão là rất lớn. Chính vì vậy vào đầu vụ sản xuất (Hè thu Mùa) Chi cục TT&BVTV Nghệ An luôn tiến hành chỉ đạo thực hiện thu mẫu rầy lưng trắng, giám định virus lùn sọc đen để chủ động trong công tác phòng chống ngăn chặn bệnh lùn sọc đen sớm.
Từ trước đến nay, cơ bản trên địa bàn Nghệ An hiếm khi lúa bị cháy do rầy lưng trắng gây ra. Kiểm soát rầy lưng trắng là chủ động để phòng ngừa lan truyền bệnh lùn sọc đen phương nam. Tuy nhiên do ảnh hưởng của BĐKH, thời tiết ngày càng nguy cơ xuất hiện nhiều hình thái cực đoan. Kết quả điều kiện thuận lợi cho rầy lưng trắng xuất hiện ở một số địa bàn gây hại trên diện rộng và gây cháy rầy lưng trắng ở một số địa phương trên lúa Mùa 2023. Hình ảnh rầy lưng trắng gây hại ngày 09/9/2023 trên lúa mùa ở Quế Phong
Kết quả công tác dự tính, dự báo đã được triển khai kịp thời, công tác tham mưu chỉ đạo tổ chức phòng trừ đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện nhưng kết quả vẫn để xảy ra hiện tượng cháy rầy trên diện rộng ở một số nơi như: Bản Cún, bản Cắm, bản Mòng, xã Cắm muộn, huyện Quế Phong; xóm 3, xã Nghĩa Bình, huyện Tần Kỳ. Cũng mật độ rầy lưng trắng gây hại cao nhưng các địa phương khác như xã Châu Kim, Mường Nọc, … huyện Quế Phong không để xẩy ra cháy rầy. Như vậy, kết quả xác đinh nguyên nhân cháy rầy lưng trắng được nhận định, cụ thể: Do diễn biến thời tiết vụ mùa 2023 một số địa phương tương đối phức tạp, thời điểm cần phun gặp mưa kéo dài, phun xong gặp mưa nên cá biệt nhiều diện tích phải phun đi, phun lại nhưng hiệu quả không cao. Một só điểm ở Quế Phong, rầy phát sinh gây hại nặng ở cuối tháng 8 nhưng do gặp mưa và dịp nghỉ lễ nên nhiều diện tích không phun trừ kịp thời theo khuyến cao của cơ quan chuyên môn cũng như chỉ đạo của UBND huyện. Bên cạnh đó, một số nơi vẫn còn một số địa phương (UBND xã) vẫn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng trừ, thậm chí chỉ giao cán bộ phụ trách nông nghiệp xã phụ trách chỉ đạo. Đặc biệt nguy hiểm khi một số nơi, nhiều bà con không sử dụng thuốc tổ chức phun trừ theo khuyến cáo của chuyên môn, cụ thể như: Ở đợt rầy thứ nhất, giai đoạn lúa đẻ nhánh chuyên môn khuyến cáo phun thuốc nội hấp nhưng chủ yếu sử dụng thuốc tiếp xúc, phổ rộng, sử dụng không đúng thuốc, thậm chí nhiều hộ sử dụng không đúng liều lượng dẫn đến bùng phát rầy đợt 2 gây cháy rầy một số diện tích trên lúa mùa. Bên cạnh đó, kết quả phòng trừ nhiều nơi không có kết quả do tồn tại cơ sở buôn bán thuốc BVTV nhỏ lẻ, thời vụ, không đủ điều kiện kinh doanh, bán cùng hàng tạp hóa và không đủ hiểu biết để tư vấn cho bà con sử dụng đúng thuốc cũng như đảm bảo nguyên tắc 4 đúng.
Hình ảnh sử dụng sai thuốc và bán thuốc không đủ điều kiện 10/9/2023 tại Quế Phong
Như vậy, để tránh mất mùa không cần thiết cho người trồng lúa nói riêng, cây trồng nông nghiệp nói chung điều quan trọng trong chỉ đạo phòng trừ và xử lý sai phạm trong buôn bán thuốc BVTV rất cần sự quan tâm của UBND xã, phường, thị trấn. Khi UBND cấp xã có thực sự vào cuộc thì công tác chỉ đạo phòng trừ mới được bà con thực hiện kịp thời, đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Trong đó quan trọng nhất là kiểm soát ngăn chặn việc bán thuốc BVTV nhỏ lẻ, không đủ điều kiện trên địa bàn xã mình tránh thiệt đơn, thiệt kép cho bà con nông dân trong các vụ sản xuất tới như tình trạng nêu trên ở một số địa bàn trong vụ Mùa 2023. Duy Hải Chi cục TT&BVTV Nghệ An