BÁO CÁO
Tình hình sinh vật gây hại cây trồng
(từ ngày 07 đến ngày 13 tháng 4 năm 2022)
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ CÂY TRỒNG
1. Thời tiết
Nhiệt độ trung bình: 240C, cao nhất: 380C, thấp nhất: 150C. Độ ẩm trung bình: 75 – 85%. Kỳ qua, trời nhiều mây, đêm và sáng có sương mù nhẹ, ngày trời hửng nắng, gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời lạnh.
2. Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng
- Cây lúa: Tổng diện tích 91.664 ha, lúa giai đoạn làm đòng-trỗ.
- Cây ngô vụ Xuân: Tổng diện tích 17.685 ha, thời kỳ cây con đến thu hoạch.
- Cây lạc: Tổng diện tích gieo trồng 9.543 ha, giai đoạn phát triển củ.
- Cây rau: Tổng diện tích gieo trồng 10.896 ha giai đoạn cây con – thu hoạch
- Cây có múi: Tổng diện tích trên 9.000 ha giai đoạn quả non, rụng quả sinh lý lần 1.
- Cây sắn: Tổng diện tích 11.000 ha, giai đoạn cây con.
- Các cây trồng khác như: Cây chè 10.567 ha, thông 27.000 ha, keo 140.000 ha,...
II. TÌNH HÌNH SVGH CHỦ YẾU
a. Cây lúa:
- Bệnh đạo ôn lá: Tổng diện tích nhiễm bệnh 2.330,8 ha trong đó có 185,3 ha nhiễm nặng. Diện tích nhiễm bệnh tập trung trên các giống IR1820, X33, TBR225, P6, AC5, Thái xuyên 111, Phú ưu 978, Phúc Thái 168,...
- Bệnh khô vằn: Tổng diện tích nhiễm 5.719,8 ha trong đó có 587,5 ha nhiễm nặng, tỷ lệ bệnh nơi cao 10 – 15% cục bộ 30 – 50% số dảnh. Trong kỳ, các địa phương đã phun phòng trừ được 1.968,5 ha.
- Bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tổng diện tích nhiễm bệnh 2.683,1 ha, trong đó có 264 ha nhiễm nặng. Diện tích nhiễm tập trung tại các huyện Nghi Lộc, Hoàng Mai, Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn,....
- Chuột: Tổng diện tích nhiễm trên 1.347,6 ha trong đó có 156,2 ha nhiễm nặng, tỷ lệ hại nơi cao 20 - 30% dảnh bị hại.
b. Cây ngô: Các đối tượng khác như: Bệnh đốm lá, khô vằn, sâu keo mùa thu, rệp cờ, sâu xám, chuột, sâu cắn lá... phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ.
c. Cây lạc: Bệnh đốm lá phát sinh gây hại trên 325 ha tại huyện Diễn Châu. Bệnh thối gốc, sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá gây hại nhẹ, cục bộ.
d. Cây mía: Bệnh chồi cỏ: Tổng diện tích nhiễm bệnh 545,2 ha tập trung chủ yếu tại huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp.
e. Cây có múi: Các đối tượng sâu bệnh gây hại chính như: Bệnh Greening nhiễm 550 ha; Bệnh vàng lá 136 ha; Thán thư 38 ha; Bệnh Ghẻ 36 ha, Nhện đỏ 65ha, ...
g. Cây rau: Các đối tượng như: Bệnh đốm lá, bệnh héo vàng, thối gốc, rệp muội, sâu khoang, sâu xanh, ... phát sinh gây hại cục bộ trên các vùng trồng rau.
h. Cây sắn: Bệnh khảm lá phát sinh gây hại trên 3.642,4 ha sắn thời kỳ cây con – phát triển thân lá tại các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, ... trong đó có 2.133,5 ha nhiễm nặng. Tỷ lệ bệnh nơi cao 30 - 50%, cá biệt > 80% cây bị hại.
i. Các cây trồng khác như: Cà phê, cao su, dứa... sâu, bệnh gây hại nhẹ, cục bộ.
III. DỰ BÁO SVGH VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ
3.1. Dự báo SVGH chủ yếu trong kỳ tới
a. Cây lúa:
- Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt: Thời gian tới thời tiết sẽ diễn biến khó lường, trong thời gian lúa trỗ sẽ có các đợt không khí lạnh kèm theo mưa rào và giông, ẩm độ không khí cao, sáng sớm có sương mù rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt phát sinh gây hại trên diện rộng. Đặc biệt trên những vùng, giống lúa hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng.
- Bệnh khô vằn: Bệnh sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và mức độ gây hại trên các trà lúa thời kỳ làm đòng trở đi. Bệnh gây hại nặng trên những diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm.
- Chuột: Tiếp tục phát sinh gây hại gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt tại những vùng gần khu dân cư, cồn bãi, gò đồi, khu nghĩa địa, mương máng lớn,…
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh tiếp tục phát sinh gây hại gia tăng cả phạm vi và mức độ gây hại. Đặc biệt sau các trận mưa rào kèm theo giông lốc, trên những chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm.
b. Cây ngô: Sâu keo mùa thu tiếp tục gây hại trên ngô thời kỳ cây con đến trỗ cờ. Các đối tượng khác như: sâu cắn lá, sâu đục thân, bệnh đốm lá, bệnh khô vằn … phát sinh gây hại cục bộ.
c. Cây lạc: Bệnh đốm lá, héo vàng ... tiếp tục phát sinh gây hại trên cây lạc.
d. Cây mía: Bệnh chồi cỏ: Bệnh tiếp tục phát sinh gây hại trên các vùng nguyên liệu mía. Các đối tượng khác như: Sâu đục thân, bệnh đốm đỏ lá, rệp sáp, rệp xơ trắng… tiếp tục phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ tại một số vùng.
e. Cây có múi: Bệnh ghẻ sẹo, bệnh loét, bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh thán thư, nhện, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, ... tiếp tục phát sinh gây hại chính trên các vùng trồng cam.
f. Cây rau: Bệnh đốm lá, bệnh héo vàng, mốc sương, thối gốc, bệnh khô đầu lá hành, rệp muội, sâu khoang, sâu xanh, chuột, dòi đục lá... tiếp tục phát sinh gây hại.
g. Cây sắn: Bệnh khảm lá sẽ tiếp tục phát sinh gia tăng đặc biệt trên những diện tích sử dụng giống không đảm bảo sạch bệnh.
h. Các cây trồng khác như: Cà phê, cao su, dứa,…sâu, bệnh gây hại nhẹ.
3.2. Đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ SVGH chủ yếu trong kỳ tới
a. Cây lúa: Hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc theo các văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục TT&BVTV. Theo dõi sát tình hình phát sinh gây hại của chuột, bệnh đạo ôn lá,... để xử lý kịp thời.
- Đối với đạo ôn cổ bông, lem lép hạt: Ở giai đoạn lúa trỗ nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại như: trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài,.... nhất thiết phải tổ chức phun phòng bệnh ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu như: ricyclazole (Beam 75WP, Kabim30WP, Filia 525SE, Newbem 750 WP, Tricom 75 WP,Angate 75 WP,... );Isoprothiolane (Fuji-One 40WP, Bankan 600WP,...); fenoxanil (Katana 20SC,Kasoto 200SC, Ninja 35 EC,...) đối với bệnh đạo ôn cổ bông; Difenoconazole +Propiconazole (Tilt super 300ND, Still Liver 300ME, Scooter 300EC…);Propiconazole (Tiptop Gold 400 EC, Tilt 250 EC,…); Azoxystrobin +
Difenoconazole (Amistar top 325 SC,…); Tebuconazole + Trifloxystrobin
(Nativo 750WG,...),... ,.... Thời điểm phun thuốc: Phun khi lúa bắt đầu trổ và phun lại lần 2 khi lúa đã trỗ hoàn toàn nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển.
- Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Chủ yếu áp dụng biện pháp canh tác như bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm. Khi bệnh xuất hiện cần phun phòng sớm bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Oxolinic acid (Starner 20WP,…); Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP,...); Kasugamycin (Kasumin 2SL,…); …phun lại lần 2 cách 7- 10 ngày khi bệnh có tỷ lệ 3 - 5%.
- Đối với bệnh khô vằn: Từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi nếu có 10% số dảnh bị nhiễm bệnh trở lên cần giữ đủ nước trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất: Validamycin (Jinggang meizu 5-10WP, Validacin 3-5L, Vida 5WP...); Hexaconazole (Anvil 5SC,….),... phun đều vào phần thân, gốc lúa.
- Đối với chuột: Chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật diệt chuột theo hướng dẫn số 268/HD-TT&BVTV của chi cục Trồng trọt và BVTV trong đó chú trọng biện pháp canh tác, thủ công và sinh học.
b. Cây ngô: Sâu keo mùa thu: Theo dõi và khuyến cáo nông dân phun trừ trên những diện tích ngô có mật độ sâu non cao (từ 2 – 3 con/m2 trở lên) bằng các loại thuốc có hoạt chất: Indoxacarb, Lufenuron, Spinetoram, Emamectin benzoate... phun theo liều khuyến cáo, phun vào nõn cây ngô, khi đa số sâu ở tuổi 1– 3.
c. Trên cây mía: Bệnh chồi cỏ: Hướng dẫn nông dân thực hiện phương án pḥòng trừ bệnh bệnh chồi cỏ đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành.
d. Trên cây có múi: Thực hiện các biện pháp chăm sóc thời kỳ quả non. Theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như: Nhện nhỏ, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bệnh greening, vàng lá thối rễ, thán thư, bọ trĩ, bệnh loét, sẹo,….
e. Cây rau: Hướng dẫn phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Trong phòng trừ ưu tiên các biện pháp kỹ thuật canh tác, sinh học, vật lý cơ giới. Biện pháp sử dụng thuốc hóa học chỉ áp dụng khi mật độ cao, các biện pháp khác ít mang lại hiệu quả. Sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách li trước khi thu hoạch.
f. Cây sắn: Tăng cường điều tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện, khoanh vùng và phòng trừ triệt để trên những diện tích sắn bị bệnh khảm lá theo hướng dẫn tại công văn số 4361/SNN-QLKTKHCN ngày 22/11/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT.
g. Cây trồng khác: Theo dõi phòng trừ kịp thời các đối tượng chính gây hại trên các cây trồng khác như, dứa, cà phê... để hạn chế sự phát sinh gây hại ra diện rộng.