một số vẫn đề cần làm tốt để sản xuất vụ Đông 2023 đạt kết quả cao nhất

Thứ sáu - 25/08/2023 04:04 577 0
một số vẫn đề cần làm tốt để sản xuất vụ Đông 2023 đạt kết quả cao nhất

Với quy mô sản xuất khoảng 35.000ha cho các loại cây trồng, được bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 12, cao điểm trong tháng 9. Vụ Đông được xác định là vụ sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích cao, nhất là các loại rau phục vụ cho tiêu dùng vào dịp tết nguyên đán. Tuy nhiên, sản xuất vụ Đông hiện nay đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn đó là: Mưa lụt đầu vụ, lốc xoáy, dịch hại, giá cả vật tư đầu vào cao, tiêu thụ sản phẩm không ổn định, thiếu nhân lực lao động,...Để sản xuất vụ Đông 2023 đạt kết quả cao nhất các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt một số vẫn đề sau:
1: Về chỉ tiêu, kế hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.185 ha cây trồng vụ Đông các loại (Ngô, lạc, rau đậu các loại, khoai lang, khoai tây). Cụ thể: Cây Ngô 19.500ha (Ngô lấy hạt 14.500ha, ngô sinh khối 5.000ha, trong đó ngô đất 2 lúa 2.100ha); Cây Lạc: 1.400ha; Rau đậu các loại: 12.600ha, trong đó có 548ha trên đất 2 lúa; Khoai Lang: 1.390ha, trong đó có 202 trên đất 2 lúa; Khoai Tây 295ha, trong đó có 225ha liên kết bao tiêu sản phẩm.


     
Sản xuất Khoai Lang trên đất 2 Lúa tại Quỳnh Lưu
                  
2: Bố trí vùng đất và thời vụ:
- Kế hoạch 35.185 ha bao gồm: Đất bãi ven sông khoảng 7.765 ha, đất màu ven biển khoảng 4.518 ha, đất lúa 2.850 ha và đất màu đồng khoảng 20.052 ha. Đối với đất 2 lúa nên lựa chọn những vùng đất cao, thoát nước tốt, các năm trước đã sản xuất an toàn,...để gieo trồng Ngô, Rau các loại.
- Về thời vụ: Các địa phương, từng hộ gia đình cần căn cứ vào từng loại cây trồng cụ thể, vùng đất cụ thể để bố trí thời vụ cho hợp lý theo định hướng thời vụ tại Đề án sản xuất vụ Đông 2023 ngành nông nghiệp đề ra.
* Cây Ngô: Ngô trên đất 2 lúa: Ưu tiên sử dụng giống ngô ngắn ngày, ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp lấy bắp bán ăn tươi. Thời vụ kết thúc trước 30/9 (càng sớm càng tốt) để bảo đảm thời gian cho gieo trồng vụ lúa Xuân 2024.
+ Ngô vùng đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đồi vệ, vùng lúa cao cưỡng chuyển sang làm màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đủ ẩm,…tiến hành gieo trồng ngay và kết thúc trước ngày 20/9.
+ Ngô vùng đất bãi cao ven sông, suối: Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và tình hình thời tiết, khi thuận lợi mới gieo trồng, tránh ngập lụt.
+ Những vùng trồng ngô lấy thân lá làm thức ăn xanh cho bò có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm: Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, căn cứ vào hợp đồng thu mua và thời gian sinh trưởng của giống để lựa chọn thời gian gieo trồng thích hợp nhằm đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch.
* Cây lạc: Kết thục gieo trồng trước ngày 10/9.
* Các loại rau đậu khác: Tuỳ từng loại cây như hành, tỏi, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, lấy quả,…có thể trồng rải rác từ đầu tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
Trên đất 2 lúa, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng loại rau để gieo trồng sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ lúa Xuân năm sau.
* Cây Khoai lang: Trồng từ 10/9 - 05/10. Trên đất lúa, trồng càng sớm càng tốt để đảm bảo gieo cấy lúa Xuân năm sau.
* Cây khoai tây: Trồng từ 01 – 10/11.

         
                                             Dưa Chuột trên đất Lúa tại Anh Sơn

3. Về bố trí cơ cấu chủng loại cây trồng:
Vụ Đông tuy diện tích không nhiều nhưng lại gieo trồng rất nhiều loại cây trồng như: Ngô (có ngô lấy hạt, ngô lấy sinh khối, ngô lấy bắp ăn tươi); Rau (có nhóm rau củ quả, nhóm rau lấy thân lá, nhóm rau thơm,…); Lạc, Khoai lang, Khoai Tây, Đậu các loại,…Vì thế nên cần phải bố trí cơ cấu về diện tích, thời vụ, chủng loại,…cho hợp lý tránh việc một loại rau, loại ngô,…diện tích quá nhiều, thu hoạch cùng lúc dẫn đến dư thừa, giá thấp khi thu hoạch và ngược lại.
- Đối với Ngô: đặc biệt là Ngô lấy sinh khối thì phải căn cứ vào nhu cầu của các công ty nuôi Bò (thịt, sữa) để liên kết ký hợp đồng bao tiêu thì mới tiến hành sản xuất; Ngô lấy bắp ăn tươi căn cứ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và kinh nghiệm của các vụ trước để sử dụng loại giống, vùng đất, diện tích,thời vụ,…cho hợp lý;
- Đối với khoai tây: Nên sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu hết sản phẩm khi thu hoạch;
- Đối với rau các loại: Từng gia đình, từng địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thị trường và rút kinh nghiệm những vụ trước để bố trí cơ cấu tỷ lệ các chủng loại rau cho phù hợp theo hướng rải vụ, đa dạng loại rau.


                Ngô vụ Đông trên đất 2 Lúa tại Huyện Anh Sơn
4. Chăm sóc sau mưa lụt:
Đặc điểm sản xuất vụ Đông thường gặp mưa lụt gây ngập, hư hại sau khi gieo trồng cả thời kỳ cây con và cây lớn vì vậy cần có biện pháp kỹ thuật chăm sóc bảo đảm cây sinh phục hồi sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất và kịp thời vụ.
Sau các trận mưa to, lụt gây ngập,…Bà con nông dân cần khẩn trương, tích cực khơi thông dòng chảy, bằng mọi cách tháo nước ra khỏi ruộng, không để nước đọng trên mặt ruộng; những ruộng không tháo nước được bà con phải bơm hút, tát cạn nước, có thể đào các hố nhỏ ở góc ruộng, vét rãnh,…để rút nước tạm thời xuống hố - rãnh; Sau khi cạn nước, đất khô dần phải xác định ngay những ruộng có thể phục hồi để tiến hành chăm sóc:
- Đối với diện tích bị ngập đổ nghiêng, bà con căn cứ tình hình thực tế để tiến hành dựng lại cây, buộc dây, dùng cọc chống, hót đất lấp kín rễ để cây có thể phục hồi. Khi mặt luống đã se khô thì tiến hành xới phá váng và bón phân để cây nhanh hồi phục. Với cây ngô giai đoạn từ 2 - 5 lá: Sử dụng Lân supe 5kg/sào, ngâm với nước tiểu động vật trong 2 - 3 ngày để tưới cho ngô, kết hợp sử dụng chế phẩm như Siêu lân, Pisomix PTS9... giúp cây phục hồi nhanh, khi ngô đã phục hồi thì chăm sóc bình thường.
- Đối với ruộng bị ngập nặng, gãy, dập nát không có khả năng phục hồi bà con chịu khó vệ sinh toàn bộ ruộng, thu hồi tàn dư, xác thực vật dồn lại xử lý giảm lây lan mầm bệnh hại và tiến hành khẩn trương chuẩn bị đất để trồng lại bằng những loại cây rau, màu phù hợp trong khung thời vụ cho phép.
5. Thực hiện cơ chế chính sách:
Bên cạnh các chính sách của trung ương, các địa phương tập trung thực hiện tốt các chính sách của tỉnh đã ban hành tại: Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ an giai đoạn 2022 – 2025”;  Chính sách hỗ trợ nông dân có cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017; Chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sở chế bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX,…theo Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Nghệ An ; Các chính sách liên quan khác,...
Ngoài chính sách của tỉnh các huyện, thành, thị, các xã, HTX,...cần chủ động bố trí kinh phí của địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện hỗ trợ thêm cho bà con nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương.
6. Phòng trừ dịch hại: Cây trồng vụ Đông đa dạng và gieo trồng trong điều kiện thời tiết mưa, ẩm, âm u, hanh khô xem kẽ vì vậy cũng có rất nhiều đối tượng dịch hại phát sinh gây hại. Vì vậy cần phải theo dõi kiểm tra thường xuyên để có biện pháp quản lý phù hợp theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và cơ quan chuyên môn Bảo vệ thực thực. Trong đó đáng chú ý một số đối tượng như: Sâu keo mùa thu gây hại trên Ngô, Chuột, Ruồi vàng hại quả, Sâu xanh da láng, Sâu khoang, Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc, bệnh Thán thư, Phấn trắng, Sương mai,…
                                                   
                                                                                                                      Nguyễn Đình Hương 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây