Thực trạng và giải pháp duy trì, phục hồi, phát triển ”cam Vinh”.

Thứ tư - 23/08/2023 04:23 1.298 0
Tổng kết các mô hình cải tạo, phục hồi, trồng mới, tái canh đã triển khai để xây dựng giải pháp, quy trình kỹ thuật và quan trọng hơn cả là xây dựng, tham mưu, ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện duy trì, cải tạo, phục hồi, phát triển cây cam an toàn, thích ứng, bền vững, chất lượng và có hiệu quả cao là điều cần thiết.
Thực trạng và giải pháp duy trì, phục hồi, phát triển ”cam Vinh”.
Thực trạng suy thoái cây cam trên địa bàn tỉnh hiện nay đặt trong tình trạng báo động. Năng suất, sản lượng, chất lượng sụt giảm và thương hiệu “cam Vinh” đang đứng trước nguy cơ ngày một mai một.  Thời gian qua các ngành, các cấp và người dân đã có nhiều nỗ lực để khắc phục, cải tạo phục hồi nhưng chưa mang lại kết quả tích cực, thậm chí diễn biến suy thoái và suy thoái trên các vườn cam ngày càng nặng hơn. Đứng trước vấn đề này, trên thực tế thực trạng cần tổng kết các mô hình cải tạo, phục hồi, trồng mới, tái canh đã triển khai để xây dựng giải pháp, quy trình kỹ thuật và quan trọng hơn cả là xây dựng, tham mưu, ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện duy trì, cải tạo, phục hồi, phát triển cây cam an toàn, thích ứng, bền vững, chất lượng và có hiệu quả cao là điều cần thiết.
Theo số liệu Cục thống kê, năm 2021 toàn tỉnh có 4.734,84 ha cam, giảm nhẹ so với năm 2020 (4.735,00ha) với sản lượng đạt 12.880 tấn, đến năm 2021 còn lại 3.930 ha, năm 2022 còn lại là 2.664,6 ha. Thực trạng suy thoái cam theo số liệu điều tra mới nhất (8/2023) diện tích cam thuộc diện bị suy thoái là 896,70ha, chiếm 48,49% trên tổng số 1.849,33ha cam hiện còn.
Thứ nhất là khi cây cam phát huy giá trị, một thời nhà nhà, người người sản xuất giống dẫn tới chất lượng giống cam các loại trên địa bàn các vùng trọng điểm gần như không được kiếm soát tốt. Nguyên tắc cây có múi là sản xuất giống theo 03 cấp nhưng tất cả cơ sở sản xuất không có cây đầu dòng, không có vườn cây mẹ, vườn sản xuất giống không kiểm soát dịch bệnh đây chính là nguyên nhân căn bản làm dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt là bệnh Greening, gây nên suy thoái cam trên các vùng trọng điểm cam của Tỉnh như hiện nay.
Thứ hai là trình độ, kỹ thuật của người trồng cam qua khảo sát thực tế tại các địa phương chỉ ra rằng đa số người trồng cam chưa có đủ kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam, chủ yếu người trồng cam tự học hỏi các vườn đã trồng trước đó. Trong khi đó, cam là cây trồng khó tính, yêu cầu kỷ thuật cao, mức đầu tư lớn. Như vậy, nhiều hộ trồng cam do chưa đủ các kiến thức có tính chuyên sâu để quản lý dinh dưỡng, cỏ dại, dịch bệnh,… cũng được nhận đinh là một trong những nguyên nhân góp phần suy thoái nhanh trên nhiều diện tích trồng cam ở Nghệ An.
Thứ ba là do hiệu quả rất cao từ trồng cam mang lại từ những năm 2016, 20217, 2018 nên trong những năm sau đó nhiều diện tích không phù hợp vẫn được bà con trồng mới, tái canh cây cam như: Đất bị ngập lụt trong mùa mưa, địa hình quá bằng phẳng không thoát nước tốt, tự ý tái canh cây cam ở nhiệm kỳ thứ 2, 3 ngay sau khi phá bỏ nhiệm kỳ trước đó mà không luân canh cây trồng khác để đất phục hồi cũng được nhận định là nguyên nhân đẩy nhanh suy thoái.     
Thứ tư là khi cam quả có giá, hy vọng, kỳ vọng hiệu quả từ trồng cam mang lại nên hầu hết người trồng cam phát triển ồ ạt, người dân thiếu chú trọng đến việc chọn nơi sản xuất phù hợp, cây giống sạch bệnh, vùng trồng an toàn dịch bệnh cũng được nhận định là nguyên nhân suy thoái.
Thứ năm, nhiều hộ áp dụng trồng sâu (cam là cây múi, hệ rễ tơ, ăn nông) nên trên nhiều diện tích độ mùn thấp, đất dí, nén chặt trong cả mưa mưa lẫn mùa khô nên ngay sau trồng 02 năm trở đi nhiều diện tích cam (không bón đủ lượng, đủ chất phân hữu cơ dẫn tới mất cân đối dinh dưỡng) nên hệ rễ bị nghẹt, cam phát triển kém, hệ rễ tơ giảm khả năng hút được nước và dinh dưỡng đây cũng được xem là một trong nhưng nguyên nhân nhận định góp phần gây suy thoái.
Thứ sáu là khi cam có giá, các cây chắn gió, che bóng, cây lâm nghiệp trên đỉnh, bờ lô,… bị chặt hết để nhường đất cho cam làm giảm khả năng giữ nước, chắn gió, ngăn cản di chuyển của côn trùng, sâu bọ gây hại trên cam. Bên cạnh đó, người trồng cam chưa nắm vững kỹ thuật tạo tán từ đầu, tỉa cành những năm tiếp theo nên nên có diện tích cam cây phát triển theo chiều cao, tán rậm rập, tỉa cành vượt, cành tăm, không đánh rỗng tâm tán đúng kỷ thuật, kịp thời làm dễ phát sinh dịch bệnh, năng suất và chất lượng quả không cao. Nhiều diện tích cam chưa đến tuổi kinh doanh, hoặc đến tuổi nhưng người trồng khai thác quả quá nhiều trong điều kiện chăm sóc mất cân đối về dinh dưỡng (tăng lượng phân vô cơ trong điều kiện không đủ lượng và chất về phân hữu cơ) dẫn tới khai thác kiệt sức cũng được xem là nguyên nhân thúc đẩy vườn cam suy thoái nhanh.
Thứ bảy là đa phần người trồng cam chưa nắm bắt được quy luật phát sinh, phát triển gây hại của các đối tượng dịch bệnh. Do đó, đa phần người trồng cam sử dụng thuốc bảo vệ thực vật định kỳ, hầu như chỉ để diệt trừ sâu, bệnh mà không tìm cách phòng và quản lý dịch bệnh tổng hợp để phát triển thiên địch, cân bằng sinh thái. Nhiều người trồng cam còn lạm dụng thuốc hóa học với rất nhiều lần phun, tưới (từ 24 - 40 lần/năm) mà chưa quan tâm đến sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học. Đặc biệt, sau khi tưới các thuốc hóa học trừ nấm, tuyến trùng trong đất cùng với lạm dụng phân hóa học, bón không đủ lượng, chất phân hữu cơ nên làm mất cân bằng hệ sinh vật trong đất cũng được nhận định là một trong những nguyên nhân gây suy thoái.
Thứ tám là các vườn cây cam cơ bản không đảm bảo được nước tưới đủ ẩm trong mùa khô trong điều kiện đất bị chai cứng (thoái hóa) nên bộ rễ tơ của cây cam kém phát triển, thậm chí bị khô và hỏng. Khi vào mùa mưa bộ rễ tơ đã bị hỏng tăng khả năng bị nấm bệnh và tuyến trùng tấn công gây hại. Một số vùng sử dụng thuốc trừ cỏ nhiều và định kỳ trong một thời gian dài liên tục trước đó làm cho bộ rễ tơ của cây cam bị tổn thương, không hút được nước và dinh dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh phát triển bệnh hại làm cho cây sinh trưởng và phát triển kém.
Thứ chín là việc suy thoái cam trên địa bàn tỉnh hiện nay có nguyên nhân lớn từ dịch bệnh. Trong đó, nhiều vùng bị bệnh greening, Tristeza phổ biến, bệnh vàng lá thối rễ do nấm phá hoại nặng sau mùa mưa; bệnh thối nâu do nấm gây thối, rụng quả; ruồi vàng, ngài chích hút làm rụng quả và các đối tượng sâu bệnh khác,... Kết quả cũng chỉ ra rằng ở một số huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và thị xã Thái Hòa thì kết quả lấy mẫu phân tích bệnh greening tại các vườn có biểu hiện thì có trên 90% vườn bị greening. Cụ thể, trong năm 2022, Sở KH&CN tổ chức lấy mẫu phân tích greening cho thấy: xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn trên vườn cam không có triệu chứng có 2/10 mẫu dương tính; tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp phân tích trên cam, quýt, bưởi có ít triệu chứng vẫn có 10/24 mẫu dương tính; tại xã Châu Đình có 8/20 mẫu dương tính; tại thị xã Thái Hòa có 13/14 mẫu dương tính. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất đẩy nhanh suy thoái trên cam và tăng nguy cơ lây lan sang các cây khỏe, vườn cam chưa nhiễm bệnh.
Thứ mười là các bệnh do tuyến trùng, nấm (vàng lá thối rễ, đốm nâu, khô cành,..) Tuyến trùng là một trong các nguyên nhân đầu tiên gây tổn thương bộ rễ cam, từ đó tạo điều kiện cho nấm bệnh thâm nhập, phá hủy bộ rễ. Kết quả lấy mẫu phân tích tuyến trùng tại một số vườn ở huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành thì các vườn đều bị tuyến trùng trong đất ở mức độ cao, thậm chí có vườn có trên 1.000 con/gam đất, trong đó có khoảng 60 - 70% là tuyến trùng gây hại (bán ký sinh). Ngoài ra các đối tượng dịch hại khác như sâu vẽ bùa, nhện, câu cấu, bệnh loét, bệnh ghẻ, loét sẹo,... gây hại. Đây cũng được nhận định là nguyên nhân đẩy nhanh suy thoái của các vườn cam.
Thứ mười một là chất lượng một số vật tư nông nghiệp phục vụ cho trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cam chưa được kiểm soát tốt. Kết quả thực tế chỉ ra rằng các hộ dân có hiểu biết tốt thì chọn mua các loại phân bón, thuốc BVTV,… đã được khẳng định tốt, có uy tín. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít người trồng cam mua các loại phân bón, thuốc BVTV,… tại các cửa hàng nhỏ lẻ với các nhãn hàng mới sản xuất, chưa được khẳng định chất lượng.
Thứ mười hai là ngay từ năm 2019, cùng với suy thoái theo đó là năng suất, chất lượng, mẫu mã sụt giảm thì giá cam bắt đầu xuống thấp (trung bình dưới 20.000 đ/kg), đặc biệt là loại cam chất lượng không cao chậm chí nhiều vườn cam ở nhiều nơi chỉ bán được giá 5.000-8.000đ/kg. Như vậy dịch bệnh nhiều, năng suất, chất lượng suy giảm nên người trồng cam ít lợi nhuận hoặc thua lỗ nên không có kinh phí, không mặn mà đầu tư chăm sóc nên đã kém lại càng kém. Nhiều diện tích cam suy thoái nặng nhưng họ chưa chặt phá mà để tận thu cam nhỏ, chất lượng kém với năng suất 3 - 5 tấn/năm trong 1 - 3 năm với giá bán 3.000 - 5.000 đ/kg càng làm tăng phát sinh, phát triển và lây lan các loại sâu bệnh hại và càng đẩy nhanh suy thoái trên cam lan rộng.
Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thoái cam nhưng từng địa phương được nhận định có nguyên nhân chính khác nhau: Nghi Lộc do thoái hóa giống, dịch bệnh và đất thoát nước kém, ngập úng trong mùa mưa; Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Tân Kỳ, Con Cuông và thị xã Thái Hòa do bệnh Greening, tuyến trùng và các bệnh do nấm bệnh; Thanh Chương, Yên Thành,… do các bệnh về tuyến trùng, nấm và kỹ thuật canh tác,...Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề bệnh greening, nấm bệnh, chăm sóc mất cân đối là một trong các nguyên nhân chính khiến cam suy thoái, suy giảm năng suất, chất lượng kiến cam suy thoái nặng như hiện nay. Để bảo dưỡng, duy trì, phục hồi, trồng mới, tái canh cây cam bền vững cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Một là  rà soát xác định, khẳng định để bỏ diện tích cam, cây cam nhiễm bệnh Greening nói riêng cây có múi nói chung để cắt, tiêu hủy nguồn bệnh greening.
Hai là  xây dựng tham mưu ban hành quy trình trồng chăm sóc cam bền vững, hiệu quả để tuyên truyền áp dụng.
Ba là tuyên truyền định hướng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cam đã phá bỏ, đặc biệt là đối với những vùng có kế hoạch, định hướng tái canh cây cam tuyên truyền trồng cây họ đậu, các cây trồng ngắn ngày phù hợp.
Bốn là đối với những diện tích cam được xác định suy thoái ở mức trung bình có cần đánh giá, xác định khả năng đầu tư, chăm sóc. Đối với các hộ dân có khả năng đầu tư thâm canh tốt thì tiến hành cải tạo, phục hồi còn không có khả năng đầu tư thâm canh thì cũng xem xét tuyên truyền phá bỏ toàn vườn hoặc các cây suy thoái nặng.
Năm là đối với diện tích cam chưa suy thoái thì cần đầu tư thâm canh, bón phân cân đối, hợp lý duy trì phát triển khai thác hợp lý. Xây dựng phần mềm để quản lý thường xuyên diện tích này để quản lý dịch bệnh, năng suất, chất lượng, giá cả cũng như thị trường tiêu thụ.
Sáu là tổng kết đánh giá các kết quả đã triển khai trồng mới, chăm sóc, phục hồi cũng như tái canh cây cam để đề xuất phê duyệt quy trình cải tạo, phục hồi, chăm sóc cam suy thoái áp dụng cho các vườn cam chưa suy thoái, suy thoái nhẹ.
Bảy là xây dựng tiêu chí về vùng trồng, loại đất có thể trồng cam, phổ biến đến cấp huyện. Sau đó, huyện giao xã rà soát theo từng lô, thửa trình huyện tổng hợp đề xuất phân tích tính chất lý, hóa đất; tuyến trùng gây hại, nấm bệnh trong đất đại diện cho các vùng trọng diểm có thể phát triển cam chất lượng. Trên cơ sở kết quả phân tích tính chất lý hóa đất phù hợp với yêu cầu của cây cam thì mới đưa vào quy hoạch, trình cấp Tỉnh phê duyệt.
Tám là, sau khi có quy hoạch trồng cam cần phổ biến đến cấp huyện, xã để thực hiện trồng mới, tái canh cam có trong quy hoạch theo hướng bền vững, chất lượng để phát huy được hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm bắt được thông tin quy hoạch. Người trồng cam cần xác định diện tích, thời gian trồng, đăng ký với cấp xã để được hỗ trợ từ các chính sách của Tỉnh.
Chín là xây dựng chuyên đề phần mềm cập nhật phát sinh phát triển sâu bệnh hại trên cam để thường xuyên, kịp thời hướng dẫn cho người trồng cam biết, áp dụng. Tổ chức tập huấn, phổ biến các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam.
Mười là hỗ trợ tiêu thụ, tuyên truyền, quảng bá đối với diện tích các vườn cam đang ký vườn mẫu. Tổ chức liên kết sản xuất và cung ứng cây giống cam sạch bệnh theo 03 cấp (cây đầu dòng (S0), vườn cây mẹ (S1), vườn cây giống (S2)) đảm bảo chất lượng giống cam trồng mới.
Mười một là tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp xây dựng hướng dẫn cụ thể về chủng loại phân bón dùng cho cây cam và các loại thuốc BVTV để phòng trừ từng loại dịch bệnh trên cây cam để người dân biết tìm mua. Tăng cường công tác thanh kiểm tra về vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng trồng cam trọng điểm.
Mười hai là ứng tích cực tuyên truyền dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất cam Sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất từ công nghệ mới, tiến tiến. Sử dụng giống chất lượng, sạch bệnh,...
Cam là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Thương hiệu “Cam Vinh” là một trong những đặc sản xứ Nghệ được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Cam cũng được xem là cây trồng truyền thống ở Nghệ An, người dân có nhiều kinh nghiệm và đã áp dụng KHKT như trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ,… nên cho năng suất, chất lượng tốt. Trong suy thoái, phá bỏ diện tích lớn ở nhiều vùng (Qùy Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Anh Sơn,…) thì nhiều nơi vẫn còn những diện tích cho hiệu quả kinh tế cao, cụ thể: Niên vụ vừa qua, mặc dù giá cam giảm, bình quân từ 10.000 - 15.000 đồng/kg nhưng thu nhập vẫn đạt 150 - 250 triệu đồng/ha; có những diện tích cho năng suất từ 30 - 40 tấn/ha, có thời điểm giá bán 25.000 đồng/kg, thu nhập 0,75 - 1,0 tỷ đồng/ha. Đặc thù ở các vườn cam đặc sản Xã Đoài ở Nghi Diên (Nghi Lộc) giá bán >=50.000đồng/quả tại vườn.  Như vậy, để phát triển cây cam bền vững, thích ứng, chất lượng có hiệu quả trong thời gian tới rất cần ban hành Kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.
PDH
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây